Trong năm vừa qua, NHCSXH đã tích cực bám sát, chủ động phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Nghị định số 74/2019/NĐ-CP được ban hành đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt sâu sắc của Đảng, Chính phủ, bộ ngành đối với đối tượng vay vốn của chương trình này, kịp thời tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc so với cơ chế, chính sách cũ.
Về mức cho vay tối đa, mức cho vay đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được điều chỉnh nâng lên. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, đã nâng mức cho vay tối đa từ 1 tỷ đồng/dự án và 50 triệu đồng cho 01 người lao động lên mức cho vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động mức cho vay tối đa nâng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/người lao động.
Mức cho vay tối đa được điều chỉnh đã đáp ứng được nhu cầu vay vốn đang ngày một tăng cao trong giai đoạn hiện nay, khi mà quy mô sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động đã từng bước dịch chuyển từ hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ sang quy mô lớn, gắn với quy hoạch phát triển vùng, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư dây chuyền sản xuất với khoa học kỹ thuật hiện đại và định hướng tiêu thụ sản phẩm theo các mô hình chuỗi giá trị.
Do đó, nâng mức cho vay là phù hợp với thực tiễn, một mặt nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng, mặt khác là một giải pháp hiệu quả nhằm góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen” theo Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, thời hạn cho vay tối đa được điều chỉnh nâng lên từ 60 tháng lên 120 tháng đã đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng đầu tư có thời gian thu hồi vốn dài trên 5-10 năm như chăn nuôi đại gia súc, trồng cây cao su, trồng cây công nghiệp dài ngày, trồng rừng… Thời hạn cho vay phù hợp sẽ đảm bảo cho dự án thực hiện có hiệu quả, bền vững; khách hàng không phải vay vốn với lãi suất cao để trả nợ ngân hàng do đến hạn trả nợ nhưng chưa có nguồn thu do chu kỳ sản xuất, kinh doanh dài, sản phẩm chưa đến kỳ thu hoạch.
Về lãi suất cho vay, trước đây lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo, đến nay được điều chỉnh bằng lãi suất cho vay hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo.
Lãi suất cho vay được điều chỉnh bằng lãi suất cho vay hộ cận nghèo sẽ tạo sự công bằng giữa các đối tượng được vay vốn của chương trình này với đối tượng của các chương trình khác tại NHCSXH, như chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo... Mặt khác, việc tăng lãi suất vay vốn sẽ làm giảm kinh phí cấp bù chênh lệch lãi suất từ Ngân sách Nhà nước.
Kể từ khi Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, NHCSXH đã tích cực tuyên truyền, triển khai cho vay đáp ứng nhu cầu của khách hàng vay vốn. Theo đó, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã đạt được những kết quả vượt bậc trong năm vừa qua, cụ thể: Doanh số cho vay đạt 11.546 tỷ đồng; Dư nợ đến ngày 31/12/2019 là 21.736 tỷ đồng (tăng 6.503 tỷ đồng so với năm 2018), với trên 618 nghìn khách hàng đang dư nợ, thu hút trên 285 nghìn lao động từ đầu năm. Đặc biệt, từ khi Nghị định số 74/2019/NĐ-CP có hiệu lực, doanh số cho vay đã tăng 4.874 tỷ đồng, tăng 111 nghìn lượt khách hàng được vay vốn.