Nội dung giảm tải tập trung các lớp cuối cấp của mỗi bậc học, đặc biệt ở trung học. Việc cắt giảm theo nguyên tắc yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, chỉ tinh giản nội dung nâng cao, trùng lặp giữa các môn học. Một số nội dung được tích hợp theo các chủ đề để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng.
Theo văn bản này Bộ GD-ĐT công bố những bài học được cắt bỏ hẳn, không dạy trong học kỳ 2 năm học này và nhấn mạnh yêu cầu: "Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung mà hướng điều chỉnh này yêu cầu "không dạy, không làm, không thực hiện; khuyến khích học sinh tự học".
Có 3 cách điều chỉnh được áp dụng ở hầu hết tất cả các môn: thứ nhất, không dạy một số nội dung, những bài học mang tính lý thuyết được giảm hẳn không thực hiện trên lớp; thứ hai, khuyến khích học sinh tự đọc, tự làm: những nội dung không dạy trên lớp nhưng GV nên khuyến khích HS đọc thêm; thứ ba là yêu cầu tự học có hướng dẫn.
Việc hướng dẫn HS có 2 dạng: hướng dẫn tích hợp, kết hợp các bài có cùng nội dung; và giảm nội dung trong 1 bài để giảm thời lượng. Ngoài ra, giảm một số nội dung trùng lặp trong một cấp và giữa các cấp.
Văn bản của Bộ GD-ĐT yêu cầu, đối với các môn học thực hiện theo chương trình nâng cao, cơ sở giáo dục trung học căn cứ vào nội dung công văn này để chủ động điều chỉnh nội dung dạy học tương ứng, phù hợp theo đặc thù của môn học.
Đối với các môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, cơ sở giáo dục trung học chủ động điều chỉnh nội dung và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường tiếp tục thực hiện Công văn 4612 về hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Theo Bộ GD-ĐT, nội dung các bài dạy qua internet, dạy học trên truyền hình cũng căn cứ vào hướng dẫn điều chỉnh này để xây dựng bài giảng. Bộ sẽ sớm công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2020 dựa vào hướng dẫn này.