Cần sớm nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm
Hạn mức trả tiền bảo hiểm cần bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền
Theo Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi (BHTG) hiệu quả (2014) và Hướng dẫn của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), các nhà hoạch định chính sách phải xác định rõ ràng mức độ và phạm vi BHTG. Hạn mức BHTG nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền, cụ thể là bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền.
Ngoài ra, theo số liệu khảo sát của IADI năm 2019, trong số 54 tổ chức BHTG tính toán tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ thì 44 tổ chức (chiếm 81%) bảo vệ toàn bộ trên 90% người gửi tiền được bảo hiểm. Theo thông lệ thế giới, mức chi trả tối đa BHTG gấp 3-5 lần GDP/người tại từng quốc gia. Có thể kể đến hạn mức BHTG tại Mỹ hiện là 250.000 USD, tại các nước thuộc liên minh Châu Âu (EU) là 100.000 EUR, tại Nga là khoảng 32.000 USD, tại Indonesia là hơn 150.000 USD, tại Malaysia là gần 60.000 USD v.v.
Từ khi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) thành lập vào năm 1999, HMTTBH đã tăng từ 30 triệu đồng (1999) lên 50 triệu đồng (2005) và 75 triệu đồng (2017). Vào năm 2017, với hạn mức 75 triệu đồng, BHTGVN có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền, vẫn thấp hơn mức khuyến nghị của IADI là 90-95%. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (99,83%), Mông Cổ (99,80%), Đài Loan (98,30%), Malaysia (98%), Singapore (91%).
Đánh giá về HMTTBH hiện nay, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhận định: HMTTBH 75 triệu đồng tại thời điểm hiện nay cũng đã lạc hậu và thấp hơn so với mong muốn, kỳ vọng của người gửi tiền. Đến nay, có nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô đã khác, việc điều chỉnh HMTTBH theo hướng tăng lên để phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam đã được các cơ quan chức năng, trong đó có NHNN và BHTGVN nghiên cứu, tính toán và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến sẽ nâng lên mức 125 triệu đồng.
Xung quanh vấn đề nâng HMTTBH, các chuyên gia về tài chính – ngân hàng đã có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cùng chung quan điểm là cần điều chỉnh tăng hạn mức để nâng cao năng lực quản trị rủi ro cho các ngân hàng, vừa đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người gửi tiền, đồng thời phù hợp với năng lực tài chính của BHTGVN.
Theo TS. Hà Huy Tuấn - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, HMTTBH cần được điều chỉnh tương xứng với các khuyến nghị của IADI và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Việc nâng HMTTBH là một trong nhiều nội dung cần tiếp tục hoàn thiện để BHTGVN thực sự hoạt động có hiệu quả, là một bộ phận của Mạng an toàn tài chính quốc gia.
TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương - nhận định, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng ngày càng phát triển, thu nhập của người dân tăng, đặc biệt, đã có những công cụ giám sát, kiểm tra để hạn chế rủi ro đạo đức, thì việc điều chỉnh HMTTBH tăng lên là hợp lý.
Về năng lực tài chính đáp ứng việc nâng hạn mức, nguồn quỹ của BHTGVN đã tăng đáng kể trong thời gian vừa qua. So với thời điểm năm 2017 khi tăng hạn mức lên 75 triệu đồng, tổng nguồn vốn của BHTGVN đã tăng 60% và Quỹ dự phòng nghiệp vụ tăng 68% (kết thúc năm 2017, tổng nguồn vốn của BHTGVN là 40 nghìn tỷ đồng, Quỹ dự phòng nghiệp vụ là 34,7 nghìn tỷ đồng). Với nguồn vốn này, BHTGVN có thể sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết khi hạn mức tăng trong thời gian tới.
Hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19
Hiện nay, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường gây ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Đồng hành cùng các doanh nghiệp cũng như người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hệ thống ngân hàng đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu; giảm lãi vay các khoản cho vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Trong bối cảnh đó, điều chỉnh nâng hạn mức BHTG sẽ phát huy được vai trò của chính sách BHTG, ổn định tâm lý và niềm tin của người gửi tiền, góp phần duy trì nguồn vốn huy động tiền gửi cho các tổ chức tín dụng (TCTD), đảm bảo sự phát triển an toàn, ổn định của hệ thống ngân hàng và an sinh xã hội.
Ông Tô Duy Lâm – Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM - và ông Bùi Xuân Chỉnh - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Thuận - đồng quan điểm khi cho rằng chính sách BHTG đã thể hiện được vai trò quan trọng đối với hệ thống các TCTD. Tuy nhiên, HMTTTG hiện tại còn thấp trong bối cảnh thu nhập của người dân đang tăng lên. Vì vậy, cần nâng HMTTBH, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền. Về phía các TCTD, đặc biệt là các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) huy động tiền gửi từ đối tượng dân cư nhỏ lẻ đều mong muốn HMTTBH sẽ được tăng lên, để người dân yên tâm gửi tiền vào các TCTD này.
Ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch HĐQT QTDND Phú Thứ (Kinh Môn, Hải Dương) - bày tỏ: “Sự có mặt của BHTG đã đem một làn gió mới đến QTDND Phú Thứ, giúp người dân giảm bớt tâm lý e ngại khi gửi những khoản tiền mồ hôi công sức của mình vào QTDND vì đã có BHTGVN bảo vệ cũng như sẵn sàng chi trả bảo hiểm nếu có đổ vỡ. Tuy nhiên, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân của người dân cũng như tốc độ tăng của quy mô tiền gửi tiết kiệm hiện nay, đã đến lúc cần cân nhắc nâng HMTTTG.”
Bà Lê Hải Vân – người gửi tiền tại Hưng Yên - bày tỏ: “BHTGVN đã chi trả đầy đủ cho người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ các QTDND nên tôi hoàn toàn yên tâm tin tưởng vào chính sách BHTG. Tuy nhiên, lượng người gửi tiền có số dư tiền gửi từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng trên địa bàn rất nhiều. Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm để chúng tôi yên tâm gửi tiền tại các TCTD.”
Ông Hoàng Văn Mạnh – người gửi tiền tại Vĩnh Phúc - trăn trở: “Là cán bộ hưu trí, tuổi đã cao, sức khỏe yếu, số tiền tích cóp cả đời đi làm của tôi hiện được gửi tại QTDND, nhưng tôi vẫn băn khoăn khi biết HMTTBH hiện nay chỉ là 75 triệu đồng/người gửi tiền. Đề nghị Chính phủ cần điều chính hạn mức này cho phù hợp.”
Có thể thấy rằng, HMTTBH 75 triệu đã không còn phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các điều kiện kinh tế vĩ mô, những thay đổi về hoạt động ngân hàng và năng lực tài chính của BHTGVN. Vì vậy, việc tăng HMTTBH sẽ bảo đảm quyền lợi hợp pháp, củng cố lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng và các TCTD, nhất là trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang chung tay cùng doanh nghiệp và người dân tháo gỡ những khó khăn bởi dịch Covid-19.