Cơ quan này đã tiến hành giám sát thường xuyên, liên tục và thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm tra định kỳ đối với các tổ chức tham gia BHTG, trong đó tập trung theo dõi đối với các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) yếu kém, đặc biệt là các QTDND được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Tham gia trực tiếp hoặc phối hợp với NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc xây dựng phương án xử lý các QTDND yếu kém, đồng thời đề xuất kiến nghị với NHNN một số nội dung theo thẩm quyền nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền trong quá trình xử lý pháp nhân các QTDND.
Trong thời gian qua, BHTGVN đã có những đóng góp tích cực trong việc theo dõi, kiểm tra chuyên sâu và đề xuất phương án xử lý đối với các QTDND yếu kém với vai trò và nhiệm vụ mới được giao theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2017 nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.
BHTGVN cũng đã thực hiện tốt công tác quản lý thu phí bảo hiểm tiền gửi, đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đảm bảo an toàn và hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN. Từ nguồn vốn được cấp ban đầu là 1.000 tỷ đồng, tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của BHTGVN đạt gần 59 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ đã tăng lên 5.000 tỷ đồng.
Quỹ Dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 53 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn tự tích lũy của BHTGVN, sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tài chính thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.