Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Vận tải (Tổng Cty Đường sắt Việt Nam) cho biết, thiệt hại kinh tế của ngành Đường sắt trong vụ sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) chưa thể thống kê.
Vận chuyển miễn phí cho hành khách lên tàu
Theo ngành Đường sắt (ĐS), vụ sập cầu tuy không gây thiệt hại về người nhưng khiến giao thông đoạn qua cầu Ghềnh bị tê liệt hoàn toàn, ảnh hưởng đến việc tổ chức chạy tàu của 13 đôi tàu khách và 7 đôi tàu hàng trên tuyến.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã dừng chạy tàu khu gian Biên Hòa – Dĩ An; đồng thời huy động lực lượng tại chỗ tham gia cứu hộ, cứu nạn và triển khai phương án chuyển tải hành khách từ ga Biên Hòa vào ga Sài Gòn và ngược lại. Tính đến sáng qua (21/3), ngành ĐS đã chuyển tải 21 đoàn tàu với 5207 hành khách.
Trước đó (ngày 20/3), cây cầu trên con đường độc đạo nối tuyến đường sắt từ TP HCM đến Đồng Nai và các tỉnh phía Bắc bị sập. Hậu quả ước tính, riêng ga Sài Gòn có khoảng 5.000 hành khách mỗi ngày lưu thông bị ảnh hưởng. Để đáp ứng nhu cầu lưu thông ĐS của người dân, sau tai nạn, ngành ĐS đã huy động hơn 100 lượt xe khách 45 chỗ ngồi để vận chuyển miễn phí khách từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa và ngược lại. Theo tính toán của ngành ĐS, phải 5 tháng sau cầu Ghềnh mới sửa xong. Rõ ràng thiệt hại của ngành ĐS là không hề nhỏ.
Trong khi đó, sau vụ tai nạn, thay vì đi lại bằng tàu hỏa, người dân có xu hướng đi lại bằng phương tiện khác. Nhiều hành khách mua vé tàu tuyến Bắc - Nam sau khi biết thông tin về tai nạn đã đến đổi vé. Ngành ĐS đổi vé miễn phí cho người dân.
Nhiều hành khách tỏ ra thông cảm với ngành ĐS khi sự cố này nằm ngoài ý muốn. Theo ghi nhận, những người trả lại vé chủ yếu ở những tuyến ngắn từ ga Sài Gòn đi các tỉnh lân cận; còn hoạt động của tuyến dài Bắc - Nam không bị ảnh hưởng quá nhiều. Ngành ĐS vẫn bán vé bình thường và có khách đến mua.
Bà Trần Thị Thanh Hương, Đội trưởng Đội vé, Trạm vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, hoạt động bán vé tuyến tàu Bắc - Nam vẫn diễn ra, tuy có ảnh hưởng nhưng không nhiều. Thời gian này không phải là cao điểm nên lưu lượng hành khách đi lại vốn ít. Hơn nữa, vị trí cầu Ghềnh cách ga Sài Gòn không xa, chỉ vài chục km nên không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động bán vé ở Hà Nội. “Người ta vẫn mua vé vào đến ga Biên Hòa rồi đi ô tô đến TP HCM”, bà Hương nói.
Hạn chế vận chuyển hàng hóa
Nhằm khắc phục hậu quả sự cố, ngành ĐS đã đề ra những biện pháp cụ thể nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, ngoài triển khai các giải pháp trước mắt, để đảm bảo vận tải liên tục, thông suốt trong thời gian khắc phục sự cố, Tổng Cty ĐSVN thực hiện việc điều chỉnh phương án chạy tàu phù hợp trên tuyến Bắc – Nam theo nguyên tắc điều chỉnh giảm thiểu ảnh hưởng đến lịch trình chạy tàu khách hiện hành, tránh gây ảnh hưởng đến hành khách. Việc thay đổi lịch trình chạy tàu chủ yếu thực hiện đối với khu đoạn từ Nha Trang trở vào.
Ngành chức năng cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất phiền hà cho hành khách, thông tin kịp thời đến hành khách về việc điều chỉnh lịch trình chạy tàu. Các công ty vận tải ĐS, Chi nhánh khai thác và các ga sẽ bố trí nhân viên hỗ trợ, hướng dẫn hành khách đổi, trả vé, đảm bảo an toàn và thuận lợi cho hành khách.
Đối với hành khách tiếp tục có nhu cầu đi lại bằng ĐS, trong thời gian khắc phục sự cố không phải chi trả chi phí chuyển tải, các hoạt động bán vé và vận chuyển hành khách của Tổng Cty ĐSVN vẫn diễn ra bình thường: duy trì tổ chức chạy 2 đôi tàu Hà Nội – Nha Trang (SE1/2, SE7/8); 5 đôi tàu khách Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại (TN1/2, SE3/4, SE5/6, SE21/22, SE25/26) có chuyển tải hành khách giữa ga Sóng Thần và ga Biên Hòa; duy trì chạy 3 đôi tàu khách địa phương (Vinh – Sài Gòn, Quy Nhơn – Sài Gòn, Nha Trang – Sài Gòn).
Về vận tải hàng hóa, Tổng Cty ĐSVN tiếp tục tổ chức vận chuyển hàng hóa từ các ga phía Bắc vào đến ga Bình Thuận và ngược lại. Hàng hóa tại khu vực phía Nam được tổ chức xếp dỡ tại các ga Long Khánh, Trảng Bom, Hố Nai. Do năng lực xếp dỡ tại các ga này hạn chế, các Công ty CP Vận tải ĐS sẽ chủ động thông báo và trao đổi với khách hàng tìm phương án trả hàng sớm nhất, không để đọng dỡ.