“Bộ đội ở Nhà văn hóa thôn, rải chiếu nằm đất để giúp dân cải tạo rãnh thoát nước và xây dựng bồn hoa. Người dân chúng tôi được hưởng lợi từ công trình này mà không tham gia làm cùng bộ đội thì coi làm sao được” - bà Nguyễn Thị Phú (ở thôn 5, xã Hải Tiến, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) nói với chúng tôi. Để “thực mục sở thị” điều đó, chúng tôi đã đến nhà văn hóa thôn 5.
Đúng như bà Phú kể, bộ đội Lâm trường 27 (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327) trải chiếu ngủ trên nền nhà, chăn màn, ba lô được xếp đặt gọn gàng, ngăn nắp. Tại khu vực được trưng dụng làm bếp ăn và cũng là nơi tập kết vật liệu, dụng cụ lao động, Trung tá Thân Bá Hoạt - Phó trưởng Ban Tham mưu- Kế hoạch Lâm trường 27 tỏ vẻ ái ngại: “Anh em chỉ ở tạm hơn một tuần, khi nào xong đợt giúp dân lại trở về đơn vị công tác. So với ngày xưa bộ đội ta khoét núi, ngủ hầm thì đâu có đáng là gì”.
Dẫn chúng tôi đi thăm công trường, trên 1.000m rãnh thoát nước đang đào dang dở, anh Hoạt cho biết: “Trước đây bà con làm đường do thiếu kinh phí nên rãnh thoát nước vẫn còn tạm bợ. Cũng vì thế mà mạnh nhà nào nhà ấy làm nên rãnh bị phân thành từng khúc, làm đọng nước thải, gây ô nhiễm môi trường và trở thành nơi trú ngụ cho ruồi, muỗi sinh trưởng.
Theo thiết kế được địa phương thông qua, chúng tôi đào đoạn rãnh với chiều ngang 1m, sâu 0,5m, đổ bê tông đáy, rồi xây bờ be kiên cố hai bên. Đối diện với rãnh thoát nước, phía bên kia đường chúng tôi xây bồn trồng hoa dọc tuyến đường. Trong tương lai không xa, con đường này sẽ khang trang, sạch đẹp, giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.
Nắn nót đưa miếng xốp xoa bề mặt bờ bao bồn hoa đã được trát, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Đức Duyên dừng tay chia sẻ: “Đi làm công tác dân vận thế này chúng tôi thấy rất vui vì vừa được lao động giúp dân, vừa làm công tác tuyên truyền, vận động, vừa giao lưu văn hóa, văn nghệ... Qua những đợt công tác dân vận, chúng tôi càng cảm nhận được sâu sắc hơn tình đoàn kết quân - dân nơi vùng biên cương Tổ quốc”.
Chia sẻ những điều mắt thấy, tai nghe với Thượng tá Nguyễn Xuân Thịnh, Giám đốc Lâm trường, chúng tôi còn biết đến những câu chuyện ly kỳ. Anh Thịnh kể, năm 2015, tại khu 7 (phường Hải Hòa, TP Móng Cái) có một gia đình rất “đặc biệt”, chính quyền và đoàn thể địa phương vận động mãi không được.
Khi địa phương đề nghị Lâm trường tham gia, anh Thịnh là người trực tiếp đi vận động: “Điều đặc biệt là gia đình này đã có 10 năm ròng đi nhặt rác chất thành đống lớn trong nhà, gây ô nhiễm môi trường ở khu dân cư. Tìm hiểu ra mới biết, ông lão là nạn nhân chất độc da cam đioxin nên nhiều lúc không kiểm soát được hành vi. Vợ con đã can ngăn nhưng không thành, thậm chí còn bị ông đánh đập. Nhiều lần địa phương đến vận động nhưng không có chuyển biến.
Nhưng lần đó, dường như bộ quân phục của chúng tôi đã gợi lại cảm xúc sâu thẳm trong ông. Cuộc tuyên truyền, vận động biến thành cuộc trò chuyện, khêu gợi lại kí ức trong ông. Chúng tôi như trở thành những người bạn tâm tình làm vơi đi nỗi đau da cam và thức tỉnh cuộc sống hiện tại của ông. Cuối cùng ông đồng ý để chúng tôi chuyển đống rác ra khỏi nhà”.
Câu chuyện di dời đống rác khá hy hữu này đã trở thành một kỷ niệm khó quên, nhưng điều có ý nghĩa lớn hơn chính là cách tiếp cận vấn đề đã cho anh Thịnh và cán bộ, chiến sĩ Lâm trường một bài học sâu sắc về công tác dân vận. Theo anh Thịnh, cuộc sống muôn hình, vạn trạng nên công tác dân vận cũng phải đặt ra các tình huống khác nhau.
Nhưng dù có là gì đi chăng thì điều cốt yếu trong công tác dân vận vẫn phải từ tấm lòng người chiến sĩ. “Một việc làm thật hơn cả ngàn lời nói hay” - Đó chính là phương châm công tác dân vận của Lâm trường 27. Những việc làm cụ thể, thiết thực của cán bộ, chiến sĩ đơn vị là minh chứng thuyết phục, để lại hình ảnh đẹp trong lòng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.
Đồng chí Phạm Ngọc Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Tiến chia sẻ: “Mỗi lúc địa phương có việc thì cán bộ, chiến sĩ Lâm trường đều sẵn lòng giúp. Khi triển khai xây dựng “khu dân cư kiểu mẫu” ở thôn 5, chúng tôi đã bàn với đơn vị để hướng hoạt động này thành những ngày hội đoàn kết quân - dân.
Do vậy, chúng tôi yêu cầu cán bộ, công chức xã bố trí công việc hợp lý, dành thời gian tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ Lâm trường làm công tác dân vận. Khi triển khai, từ Bí thư trở xuống đều xắn quần vào cuộc. Buổi giao lưu lửa trại kết thúc đợt dân vận trong niềm hân hoan của người dân địa phương và như thắp lên ngọn lửa thắm tình đoàn kết quân dân cá - nước”.