Điều động nhân sự ở Ủy ban Quản lý vốn: Cách nào thêm 'làn gió' mới?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ba năm gần đây, năm nào Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng phái người về các tập đoàn, tổng công ty để tham gia quản trị doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, lãnh đạo một số “tổng” lớn cũng được “rút” về Ủy ban làm công tác quản lý nhà nước.
Cơ quan này có 120 công chức nhưng làm nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với khối tài sản nhiều triệu tỷ đồng.
Cơ quan này có 120 công chức nhưng làm nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với khối tài sản nhiều triệu tỷ đồng.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (viết tắt: Ủy ban) nay đã bước sang “tuổi” thứ 6, là cơ quan “trẻ” nhất trong số 8 cơ quan thuộc Chính phủ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà từng nhấn từng mạnh rằng, 5 năm qua là chặng đường chưa dài, nhưng đối với một cơ quan mới như Ủy ban là một hành trình phải vượt qua nhiều khó khăn, là quá trình phát triển của 19 tập đoàn, tổng công ty đang giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế.

Ông cũng yêu cầu, 19 tập đoàn, tổng công ty cần thông qua Ủy ban nghiên cứu, đề xuất để hoàn thiện mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn…

Nhiệm vụ này thực sự khá nặng nề, khi Ủy ban chỉ với 120 công chức nhưng phải vào “vai” là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với một khối tài sản trị giá nhiều triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 65% tổng tài sản các doanh nghiệp Nhà nước trong cả nước.

Trao đổi với PLVN về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh đã mượn hình ảnh “vừa chạy, vừa xếp hàng” để mô tả về sự nỗ lực của tập thể cơ quan này suốt thời gian qua, đồng thời ông cũng khẳng định phương châm “doanh nghiệp là trung tâm, mọi hoạt động của Ủy ban đều xoay quanh doanh nghiệp…” trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của một cơ quan thuộc Chính phủ.

Cụ thể, Ủy ban đã, đang thực hiện công tác tổ chức theo hướng điều động, bổ sung nguồn cán bộ có chuyên môn, năng lực giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa Ủy ban với các doanh nghiệp và ngược lại.

Trước khi nhận chức Chủ tịch MobiFone, ông Nguyễn Hồng Hiển (bìa phải) là Vụ trưởng Vụ Công nghệ & Hạ tầng.

Trước khi nhận chức Chủ tịch MobiFone, ông Nguyễn Hồng Hiển (bìa phải) là Vụ trưởng Vụ Công nghệ & Hạ tầng.

Ví dụ ở Vụ Năng lượng thuộc Ủy ban, chỉ với hơn 10 nhân sự nhưng đơn vị đang tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo cơ quan này thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc 3 lĩnh vực điện - than - dầu thuộc 3 Tập đoàn kinh tế năng lượng hàng đầu Việt Nam đó là PVN, EVN và TKV.

Hồi tháng 7/2022, ông Đinh Thế Phúc - Vụ trưởng Vụ này là một trong những lãnh đạo cấp vụ đầu tiên được điều động, bổ nhiệm giữ chức Thành viên HĐTV của EVN. Người thay ông Phúc là một Phó Vụ trưởng trẻ tuổi từng công tác ở PVN...

Tiếp đó, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Ủy ban cũng nhận quyết định về PVN làm Thành viên HĐTV.

Được biết, trước 2 vị này, Vụ trưởng Vụ Công nghệ & Hạ tầng của Ủy ban - ông Nguyễn Hồng Hiển cũng nhận quyết định đi cơ sở, nhưng vào “ghế” Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

Không chỉ các nam lãnh đạo dịch chuyển công tác, trước thềm ngày 8/3 năm nay, bà Nguyễn Thị Thu Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Ủy ban cũng đã được trao quyết định làm Thành viên HĐTV của VINACHEM. Bà Bình là nhân tố nữ duy nhất trong một HĐTV gồm 4 người thuộc Tập đoàn nói trên.

Ở chiều ngược lại, thời gian qua, Ủy ban cũng điều động một số lãnh đạo doanh nghiệp về công tác tại các Vụ Tổng hợp và Công nghệ & Hạ tầng, theo tiêu chuẩn, điều kiện: Thành viên HĐTV, Phó Tổng Giám đốc các tập đoàn, tổng công ty sẽ được xem xét điều động bổ nhiệm vào vị trí Phó Vụ trưởng; Vụ trưởng có thể là các Chủ tịch, Tổng Giám đốc các doanh nghiệp dưới lên…

Thành viên HĐTV PVN Nguyễn Tuấn Anh (bìa trái) nguyên là Vụ trưởng Vụ Tổng hợp.

Thành viên HĐTV PVN Nguyễn Tuấn Anh (bìa trái) nguyên là Vụ trưởng Vụ Tổng hợp.

Quan sát trong 3 năm gần đây, thấy phần lớn các quyết định điều động vẫn dành cho nguồn cán bộ từ Ủy ban xuống các doanh nghiệp, còn số lãnh đạo doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm “thực chiến” trong điều hành, quản trị doanh nghiệp được “rút” lên Ủy ban làm công tác quản lý nhà nước vẫn chưa nhiều?

Thực tế, nếu chú ý hơn nữa trong đào tạo, quy hoạch, liên thông nguồn cán bộ từ cơ sở, từ 19 tập đoàn, tổng công ty cho Ủy ban, thì cả hai chiều trong công tác cán bộ của “Ủy ban - doanh nghiệp - Ủy ban” sẽ ngày một có thêm những “làn gió” mới trong công tác quản lý, nhất là khi phát triển, bồi dưỡng được những nhân sự trẻ, từng kinh qua nhiều vị trí, môi trường công tác khác nhau ở các doanh nghiệp.

Như thế sẽ hiệu quả cho công tác quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bởi với kiến thức, kinh nghiệm và sự trải nghiệm trong quản trị doanh nghiệp, họ sẽ vào “vai” đại diện chủ sở hữu Nhà nước một cách nhuần nhuyễn hơn.

Đọc thêm