'Điều dưỡng' đặc biệt làm chỗ dựa cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện

(PLVN) - Được chữa khỏi COVID-19, anh Võ Duy Quang (31 tuổi, trú tại TP HCM), xung phong xin ở lại làm chỗ dựa cho bà ngoại đang điều trị tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TP HCM).
Anh Quang chăm sóc bà ngoại đang điều trị COVID-19 tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TP HCM)

Anh Võ Duy Quang kể, lần đầu chăm bà ngoại 82 tuổi bệnh nặng rất nhiều bỡ ngỡ, cực nhất là những lúc thay rửa khi bà đi vệ sinh ra tã giấy. Song, vốn hiểu tính cách, biết thói quen, sở thích của bà ngoại nên anh nhanh chóng thích nghi.

Trước đó, 7 người trong gia đình Quang đều dương tính, gồm bà ngoại, bố mẹ, vợ chồng anh, chị và em gái. Hiện 5 người đã được xuất viện, chỉ còn bà ngoại suy hô hấp nặng phải điều trị lâu dài. Là con trai duy nhất, khoẻ mạnh, anh xung phong xin ở lại làm chỗ dựa cho bà.

Ngày hai lần, anh lau người bà sạch sẽ bằng nước ấm. Các bữa ăn được anh chia nhỏ, kiên trì dành cả tiếng đồng hồ vừa đút từng muỗng cháo, vừa chụp lại ngay mặt nạ oxy cho bà thở để SpO2 không tụt. Biết bà nằm nhiều sẽ mỏi, anh làm "ghế" để bà tựa lưng. Từ phía sau, anh đấm lưng, gãi ngứa, vuốt tóc giúp bà thoải mái hơn. Anh cũng canh thời gian đỡ bà nằm sấp, nằm nghiêng theo cữ để dễ thở.

"Ngày nào tôi cũng gọi video về nhà, để cả gia đình trò chuyện, động viên bà an tâm. Có thêm liều thuốc tinh thần, trải qua 3 tuần điều trị tích cực, bà tôi dần hồi phục, tỉnh táo, song chưa cai oxy thành công", anh Quang cho biết.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Quyến, Phó khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện TP Thủ Đức (TP HCM), phụ trách khu Hồi sức cấp cứu, nhân viên y tế luôn cố gắng làm những điều tốt nhất trong khả năng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, dù đã làm 200% sức lực, họ vẫn cảm thấy chưa đủ, khó có thể đáp ứng chu đáo tất cả nhu cầu người bệnh.

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng thấu hiểu sự lo lắng, mong muốn được chăm sóc người thân của các gia đình, nên phối hợp cùng họ. Người bệnh được vợ, chồng, con, cháu... chăm sóc cả thể chất lẫn tinh thần sẽ nhanh hồi phục. Nhân viên y tế tập trung chăm lo các bệnh nhân nhiễm khác không có người thân.

Trước khi người nhà thực hành chăm sóc, các bác sĩ, điều dưỡng sẽ hướng dẫn chi tiết những việc cần làm, như cách vỗ lưng, vệ sinh răng miệng, thay ga giường, các bài tập thở, tập phục hồi, xoay trở... phù hợp với tình trạng từng bệnh nhân. Sau ít ngày, họ có thể thành thạo một số công việc. Riêng với trường hợp thở máy, điều dưỡng vẫn đóng vai trò chăm sóc chính, tránh tình huống tai biến, người nhà sẽ phụ giúp và thực hiện đúng phân công chăm sóc.

"Chúng tôi giống một gia đình lớn, được tạo nên trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, chẳng ai mong muốn nhưng luôn cố gắng đùm bọc, san sẻ lẫn nhau, chỉ với một mục đích duy nhất là cứu sống bệnh nhân", bác sĩ Quyến nói.

Thời gian qua bệnh viện cũng đã cố gắng tạo điều kiện cho người thân của bệnh nhân COVID-19 nặng có thể vào chăm sóc, kề cận người nhà để vừa tiếp thêm động lực giúp bệnh nhân đang điều trị thêm sức mạnh vượt qua bệnh tật vừa giảm tải cho nhân viên y tế trong thời gian này.

Đọc thêm