Nói đến trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động, có một vấn đề liên quan mà chúng tôi muốn được tham khảo thêm ý kiến của luật sư, đó là vấn đề được đề cập tại một bài viết đã được đăng tải trên Báo Pháp luật Việt Nam ngày 22/10/2022 mới đây xảy ra tại Hưng Yên, Cụ thể, báo đã thông tin về hành vi trốn tránh việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động trong nhiều năm liền của công ty TNHH may APP Hưng Yên. Theo bài viết, kể từ ngày 06/06/2018, BHXH tỉnh Hưng Yên đã ban hành quyết định xử phạt công ty APP, BHXH thị xã Mỹ Hào liên tục gửi các văn bản đôn đốc, giục nợ, nhưng công ty này vẫn chây ỳ thanh toán các khoản nợ kể từ ngày ấy đến nay. Quyết định xử phạt đã ban hành, việc thúc giục doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của mình cũng đã được diễn ra thường xuyên, nhưng doanh nghiệp vẫn cố chấp trong việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, gây thiệt hại cho người lao động, cũng như ảnh huỏng xấu tới công tác giải quyết chế độ bảo hiểm cho những người lao động khác, thì theo luật bảo hiểm xã hội, công ty này sẽ phải tiếp tục chịu trách nhiệm trước những điều khoản nào, thưa luật sư? Và luật bảo hiểm sẽ xử lý ra sao ạ?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi 2020 thì: “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.”
Với hành vi cố chấp trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình khi đã có quyết định xử phạt, doanh nghiệp trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi 2020 quy định:
“1. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong các trường hợp sau đây: a) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật này;
.....
2. Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:
a) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;
b) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
c) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
d) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.”