Điều hành chi ngân sách hiệu quả để dành nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19

(PLVN) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng nay, 13/11, với đa số các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Bội chi ngân sách trung ương 3,7% GDP

Kết quả biểu quyết cho thấy, có 465/468 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,19% tổng số đại biểu Quốc hội.

Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 với tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.411.700 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.784.600 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 372.900 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Về thực hiện chính sách tiền lương, Nghị quyết nêu rõ, lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995. Đồng thời, tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách

QH giao Chính phủ điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tiền tệ để phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan để đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách nhà nước, cơ bản khắc phục tình trạng lồng ghép trong quản lý ngân sách nhà nước, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đồng thời nâng cao tính chủ động cho các địa phương…

Tiếp tục cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại; đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả để dành nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi kinh tế và dự phòng cho các trường hợp bất khả kháng, khắc phục hậu quả thiên tai.

Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2021; việc chuyển nguồn vốn đầu tư công năm 2021 sang năm 2022 phải tuân thủ Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, trường hợp bất khả kháng, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chỉ đạo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ. Chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công…

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm