Điều hành tỷ giá: Loay hoay trong biên độ hẹp

(PLO) - Đồng tình với việc điều hành tỷ giá linh hoạt song nhiều  ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước không nên “tự trói mình” trong biên độ 2%. 
Cung ngoại tệ vẫn dồi dào nhưng trên thị trường vẫn xuất hiện  xu hướng đầu cơ. (Ảnh minh họa)
Cung ngoại tệ vẫn dồi dào nhưng trên thị trường vẫn xuất hiện xu hướng đầu cơ. (Ảnh minh họa)
Vấn đề được đặt ra tại Hội thảo “Chính sách tỷ giá của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” được Học viện Tài chính tổ chức ngày hôm qua 15/4.
Tuyên bố “mềm” và kỳ vọng thị trường
Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính, về tổng thể, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn đang thặng dư 2,8 tỷ USD trong quý I/2015 và Ngân hàng Nhà nước (NHNN)  trong 3 tháng đầu năm vẫn mua ròng ngoại tệ. 
Xét về cầu, các nhu cầu về ngoại tệ cho sản xuất, nhập khẩu đều được đáp ứng và các giao dịch USD cũng vẫn được thực hiện trong biên độ do NHNN quy định. Vấn đề được TS Độ đặt ra là: Tại sao trên thị trường xuất hiện xu hướng đầu cơ giá lên trong khi nguồn cung USD không hề thiếu?
“Thị trường có vẻ đang chờ đợi một quyết định điều chỉnh tỷ giá từ phía NHNN…”- TS Độ nhận định. Theo ông, sự chờ đợi này có thể xuất phát từ suy luận rằng, đồng USD đang lên giá mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,2% đã đề ra và việc điều chỉnh tỷ giá sẽ hỗ trợ Chính phủ đạt được mục tiêu này…
Ngoài ra, gần đây NHNN đưa ra thông điệp rằng: “Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá trong biên độ đề ra từ đầu năm”.
“Thị trường có thể hiểu đó là một tuyên bố “mềm”, bởi NHNN đã không nói cụ thể sẽ tiếp tục ổn định mức tỷ giá hiện nay trong thời gian bao lâu, tức là vẫn có khả năng NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá trong tương lai gần…”- ông Độ phân tích. 
Theo vị chuyên gia này, khi NHNN dành cho mình một khoảng trống để có sự linh hoạt trong chính sách, thị trường cũng có thêm một khoảng trống để đầu cơ. Tuy nhiên, do trên thị trường không có sự mất cân đối về cung - cầu USD, đồng thời NHNN đã tuyên bố mức điều chỉnh tỷ giá tối đa trong năm 2015 là 2%, do vậy các nhà đầu cơ chỉ có thể tạo ra những “con sóng” nhỏ với biên độ dao động của tỷ giá không vượt quá 2%, tương đương với mức điều chỉnh tỷ giá kỳ vọng là 1% cộng với 1% biên độ dao động.
“Trở đi mắc núi, trở về mắc sông…”
“Việc NHNN tuyên bố tiếp tục kiểm soát biên độ tỷ giá không quá 2% trong năm 2015 đã giúp cho các doanhh nghiệp có thể yên tâm hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của mình một cách chủ động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên trong một số thời gian gần đây, trên thị trường tự do tỷ giá USD/VND tăng mạnh theo xu hướng tăng giá của đồng USD , NHNN cần phải xem xét những cam kết đầu năm về điều hành tỷ giá…”- ông Nguyễn Vinh  Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội đề nghị.
TS Lê Quốc Phương, Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, chính sách neo tỷ giá mà NHNN đang theo đuổi hiện nay mặc dù tạo nhiều thuận lợi cho DN và toàn bộ nền kinh tế (ổn định kế hoạch sản xuất kinh doanh, giữ gánh nặng nợ nước ngoài của doanh nghiệp và quốc gia không tăng lên, giúp giảm áp lực lạm phát…), nhưng trong bối cảnh đồng USD hiện vẫn đang trong xu hướng lên giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, việc NHNN vẫn duy trì tỷ giá ổn định trong một thời gian dài sẽ khiến cho hoạt động đầu cơ có thể sẽ quay trở lại và khi phải điều chỉnh tỷ giá cho sát thực tế NHNN sẽ phải điều chỉnh với biên độ lớn, gây sốc cho nền kinh tế. 
Ông Phương cho rằng, NHNN cũng đang ở thế khó xử với tuyên bố hồi đầu năm về việc sẽ điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong năm 2015 bởi hiện USD đã lên giá 15 - 18%. “Nếu thực hiện đúng tuyên bố để giữ chữ tín với thị trường thì VND được xác định quá cao, gây bất lợi cho doanh nghiệp và  nền kinh tế. Nếu điều chỉnh tỷ giá vượt quá 2% để đảm bảo phù hợp với diễn biến thực tế thì NHNN lại chịu tiếng là không giữ cam kết của mình…”- TS Phương phân tích tình thế khó của NHNN.
“Việc điều chỉnh tỷ giá cần cân nhắc rất kỹ dưới nhiều tác động khác nhau. Bởi trong nền kinh tế thị trường, tỷ giá nên do thị trường xác lập, Nhà nước chỉ giữ vai trò điều tiết, việc điều chỉnh tỷ giá chỉ là biện pháp hành chính, không phải là giải pháp thị trường. 
Hoạt động điều tiết của Nhà nước cũng chỉ nên đề ra mục tiêu, có định hướng thực hiện để các chủ thể tham gia thị trường có căn cứ lên kế hoạch, tính toán cho lĩnh vực hoạt động  của mình. NHNN không nên khẳng định cứng nhắc về tỷ giá trong một thời kỳ (như “sẽ điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong năm…”) - ông Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế- Tài chính đề nghị.

Đọc thêm