Đó là thẩm quyền giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết chức danh này trong khi chờ QH phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm. Và thẩm quyền tạm thời giao quyền chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được.
Các ý kiến trong hội nghị ĐBQH chuyên trách cho rằng, việc quy định 2 thẩm quyền trên cho Thủ tướng là cần thiết để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quản lý nhà nước và xã hội, bảo đảm hoạt động của Chính phủ có hiệu lực, hiệu quả.
Trên thực tế có nhiều trường hợp người giữ các chức danh trên đột ngột qua đời hoặc chuyển công tác, nếu không kịp có người thay thế thì công tác điều hành ở bộ, ngành địa phương có thể bị ảnh hưởng.
Nhưng 2 thẩm quyền còn lại chưa nhận được sự đồng tình. Đó là thẩm quyền quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình giải trình rằng không phải cho Thủ tướng thẩm quyền ra lệnh tổng động viên hay ban bố tình trạng khẩn cấp, đó vẫn là thẩm quyền của Chủ tịch nước theo Hiến pháp.
"Quy định này là khi các cấp có thẩm quyền đã ban hành lệnh tổng động viên hoặc ban bố tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng sẽ là người quyết định các biện pháp để triển khai ngay", ông Bình cho hay.
Nhưng theo Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý, điều này chưa hợp lý: Nên giữ như quy định hiện hành là Thủ tướng và Chính phủ tổ chức thi hành chứ không phải là người quyết định các biện pháp đó.
Đa số ý kiến cũng đồng tình không bổ sung quy định này trong dự thảo luật vì theo Hiến pháp, các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật định.
Cũng để phù hợp với Hiến pháp, đa số ý kiến tại hội nghị ĐBQH chuyên trách không đồng tình cho Thủ tướng thêm thẩm quyền phê duyệt danh sách nhân sự giới thiệu phó chủ tịch tỉnh; phê chuẩn, phê duyệt danh sách nhân sự trước khi giới thiệu bầu vào chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Chưa đồng tình số lượng thứ trưởng
Vấn đề có hay không quy định cứng số lượng cấp phó trong dự thảo luật, tuy Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã có ý kiến và được thể hiện trong dự thảo là mỗi bộ 5 thứ trưởng, riêng Công an, Quốc phòng là 6, vẫn có ý kiến không đồng tình.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng chỉ nên 4 thứ trưởng mỗi bộ, riêng Công an, Quốc phòng là 5: "Trước ta quy định tối đa 4 thứ trưởng nhưng vẫn có điều khoản mở nên bây giờ có bộ gần chục thứ trưởng. Dân nói 'chỉ giao phó, không giao trưởng', ý là cấp phó làm hết, không thấy trưởng làm gì".
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) thì chỉ ra: "Ở các nước, phó giúp việc cho trưởng, ở nước ta, phó là để đi họp. Nguy hiểm là biến cấp phó thành một cấp hành chính, việc gì dễ thì trưởng làm, khó thì phó làm".
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý, chính vì để không biến cấp phó thành một cấp hành chính thì không nên quy định quá cụ thể trong luật mà để cấp trưởng quyết định, dù là thứ trưởng hay phó thủ tướng./.