Mỏ khí hiểm trở dưới Biển Đông
PVN đang khai thác dự án dầu khí trọng điểm quốc gia - cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh (thường gọi là Biển Đông 01), thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn, thềm lục địa Việt Nam, cách Vũng Tàu khoảng 320 km về phía Đông Nam.
Lâu nay, hẳn nhiều người đã nghe về Dự án Biển Đông 01 - một kỳ tích của ngành Dầu khí Việt Nam ở Biển Đông. Nơi đây, Công ty dầu khí hàng đầu thế giới là BP (Anh) đã dừng thực hiện vào năm 2008 sau khi đổ vào dự án này cả tỷ USD trong thời gian dài mà không thể khai thác được. Tuy nhiên, bản lĩnh người dầu khí Việt Nam đã chinh phục được mỏ khí này từ năm 2013.
Mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh nằm ở vùng nước sâu 140m, điều kiện địa chất phức tạp nhất nhì thế giới. Nhiệt độ dưới giếng khoảng 120 - 170 độ C, áp suất khoảng 420 - 530 atm. Những mỏ khí đốt có áp suất và nhiệt độ cao như vậy rất hiếm có công ty dầu khí nào dám làm, bởi mức độ nguy hiểm và rủi ro lớn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với loại mỏ khí như vậy, khoan là vấn đề quyết định sự thành bại của dự án. Trước khi thực hiện dự án, cả PVN và Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC - chủ dự án), Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling - nhà thầu khoan) đã phải bàn đi tính lại các phương án.
Ở thời điểm năm 2009, Việt Nam không có một giàn khoan nào đáp ứng được điều kiện khoan ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh. Hai phương án được PV Drilling đưa ra là: Thuê giàn khoan nước ngoài hoặc tự đóng mới một giàn khoan phù hợp. Trên thế giới lúc đó có tổng cộng 7 giàn TAD tương tự như PV DRILLING V hiện tại, song không có một giàn nào đáp ứng được điều kiện nhiệt độ cao, áp suất cao ở Hải Thạch - Mộc Tinh. Nếu lựa chọn phương án thuê thì cũng phải tiến hành cải hoán mới có thể sử dụng. Chi phí thuê giàn này mỗi ngày khoảng 500 ngàn USD (hơn 10 tỷ). Sau khi cân nhắc, PVN quyết định đầu tư đóng mới giàn khoan.
Có thể dò sâu tới 9km
Giàn PV DRILLING V là thế hệ giàn TAD hiện đại nhất thế giới hiện nay với nhiều thiết bị, công nghệ mới, phức tạp. Khi PV Drilling đặt mua một số thiết bị để đóng giàn thì phía đối tác tỏ ra bất ngờ vì không ngờ trên thế giới lại có những điều kiện khoan đòi hỏi loại thiết bị công nghệ cao đến vậy. Để phù hợp, đối tác này phải quay lại nghiên cứu và nâng cấp sản phẩm hiện có của mình để nhằm đáp ứng yêu cầu đóng giàn PV DRILLING V.
Giàn TAD PV DRILLING V là giàn khoan đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ cao để khoan các giếng khoan nhiệt độ cao, áp suất cao. Công suất thiết bị chống phun (BOP) được thiết kế với áp suất làm việc lên đến 15.000 psi (tương đương 1.020 atm), đây là những thách thức lớn của công nghệ khoan dầu khí hiện nay. Một điểm đặc biệt nữa là giàn khoan PV DRILLING V là giàn khoan TAD đầu tiên trên thế giới có tải trọng của tháp khoan thiết kế lên đến 1.500.000 lbs nên có thể thực hiện được các giếng khoan đến độ sâu 30.000 ft (tương đương 9.100 m), trong điều kiện độ sâu mực nước biển lên đến 4.000 ft (1.200 m).
Để vận hành giàn khoan này cũng là thử thách không nhỏ với đội ngũ chuyên gia, kỹ sư khoan dầu khí của PV Drilling. Để vận hành nó, bên cạnh đội ngũ kỹ sư người Việt, PV Drilling và BIENDONG POC phải thuê chuyên gia nước ngoài, có thời điểm số lượng lên đến 34 người. Sau đó, việc đào tạo thế hệ kỹ sư người Việt để đưa vào dự án được BIENDONG POC và PV Drilling ráo riết thực hiện. Đến nay, chính những kỹ sư Việt Nam này đã làm chủ được giàn khoan công nghệ hiện đại nhất thế giới.
Thuê giàn khoan phải chi phí 10 tỷ đồng/ngày
“Muốn khai thác được ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, sẽ phải chọn 1 trong 2 phương án đó là đóng mới hoặc thuê giàn khoan. Nếu chọn phương án thuê thì cũng phải tiến hành cải hoán lại mới có thể sử dụng. Chi phí thuê giàn này mỗi ngày khoảng 500 ngàn USD (hơn 10 tỷ). Sau khi cân nhắc, PVN quyết định đầu tư đóng mới giàn khoan”.