Trong con mắt dân gian, không nhà buôn nào không tham, toàn là những kẻ “buôn gian bán lận”, “đong đầy bán vơi” hay “thật thà cũng thể lái trâu”… Tuy nhiên, nhiều thương nhân đã nỗ lực gây mối thiện cảm cho xã hội về hình ảnh “nhà buôn liêm”, một yếu tố quan trọng để họ thành công khi hành nghề… Sự tồn tại của các gian thương chứng tỏ rằng: bất chấp thủ đoạn để kiếm lời, không màng đến khía cạnh đạo đức trong kinh doanh đã là thực tế của một bộ phận không nhỏ trong giới thương nhân Việt Nam thời cổ.
Khác với bọn gian thương, những thương nhân chân chính không chỉ biết buôn bán làm giàu mà còn rất chú ý đến vấn đề đạo đức trong kinh doanh. Đạo đức buôn bán đối với họ không phải là điều gì trừu tượng, chung chung mà rất cụ thể. Ấy là phải đàng hoàng ngay thẳng, nghiêm túc giữ chữ tín và sòng phẳng thật thà khi buôn bán.
Buôn bán phải đạo, không phải hổ thẹn
Sách “Sơn cư tạp thuật” cho hay, trước khi bước vào nghề buôn trâu, thương nhân Vũ Kiêm (thế kỉ XVII) đã xác định rất rõ: “Xưa ông Vương Quân đi buôn trâu, người ta không cho là phải. Buôn bán là theo đuổi cái ngọn, nhưng nếu cư xử không mất nghĩa lí thì có gì là không được”.
Quan điểm của Vũ Kiêm là buôn bán ngay thẳng, hợp với đạo lí thì không có gì phải hổ thẹn.Ông vẫn xem nông nghiệp là nghề gốc nhưng đã ý thức được một khi đi buôn thì phải giữ đúng nhân cách, phẩm giá, tức là làm một thương nhân chân chính, buôn bán đàng hoàng. Đó là cách tiếp cận và gia nhập nghề buôn một cách thực dụng khôn ngoan.
Vũ Kiêm buôn trâu trong thời gian khá lâu. Nhờ chăm chỉ hoạt động và biết chọn địa điểm buôn bán thích hợp, ông dần tích lũy được nhiều tài sản và trở nên khá giả. Có điều, ông dư dả nhưng không quên sự nghèo khó trước kia, bởi vậy, ông thường giúp đỡ những người có cảnh ngộ giống mình ngày trước. Cũng sách “Sơn cư tạp thuật” xác nhận: “Các cống sinh ở quận ấp mới tới dự thi, có ai thiếu tiền chi tiêu, tới gặp ông để vay, ông đều đáp ứng cho. Lớp già lớp trẻ không ai là không quen biết ông”.
Thương nhân Vũ Kiêm luôn đề cao đạo nghĩa khi hành nghề (Tranh minh hoạ) |
Sách “Bà tâm huyền kính lục” (biên soạn nửa sau thế kỉ XIX) cũng ghi nhận hai thương nhân điển hình dưới thời Nguyễn là Xã chánh Quyền (ở Phú Thọ ngày nay) và Phùng Cát Khánh (ở Thanh Hoá ngày nay). Hai ông đều tâm niệm giữ lòng ngay thẳng khi đi buôn, ngoài ra một người thì hết lòng phụng dưỡng anh trai tật bệnh (Xã chánh Quyền), một người thì thành kính phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Có lẽ vì hai lí do đó nên hai ông đều gặp dữ hoá lành, cả đời đi buôn không gặp tai hoạ gì, dẫu thuyền hàng gặp bão lũ và các bạn buôn bị sóng biển dập vùi nhưng hai ông vẫn bình an vô sự, ngày càng mua may bán đắt.
Cùng một thể thức giữ vững đạo lí như những trường hợp trên, ở làng Cầu Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên), một làng chuyên buôn đồng, sắt phế liệu, khi nghề này phổ biến trong làng vào thế kỉ XVIII – XIX, đại bộ phận dân buôn ở đây đã tự nguyện giữ gìn và nhắc nhở nhau phương châm buôn bán lấy thành tín, trong sạch làm cốt yếu.
Điều này được khảo tả trong chuyên luận “Làng buôn ở Hưng Yên” của GS Nguyễn Quang Ngọc: “Người ta tin rằng thế đất của làng hình cái thuyền thì người làng không thể không đi xa, chỉ coi làng mình là bến đỗ mà thôi. Hơn thế trời đã ban cho làng một cái cân, mà cán cân chính là con đường đi vào làng, quả cân là gốc cây đa ở cổng làng (nên cây đa ấy còn được gọi là “cây đa Mỏ Đồng Cân”). Người làng Cầu Nôm hiểu cái cân là biểu tượng của sự công bằng, của tấm lòng ngay thẳng và nhắc nhở nhau phải bán buôn sòng phẳng, nếu ai buôn gian bán lận thì sẽ bị thần trừng trị. Chỉ vậy thôi cũng đủ biết văn hoá buôn bán, văn minh thương mại đã trở thành lẽ sống của người làng Cầu Nôm từ rất lâu đời”.
Người trong nước ngợi khen
Nhờ nghiêm giữ đạo đức và văn hoá kinh doanh, nhiều người trong giời thương nhân đã được dư luận hết lời ngợi khen.
Văn bia “Tư tài bia kí” ở Hà Nội (niên đại thế kỉ XVII) chép chuyện Thành Mậu Cường, một thương nhân loại vừa, buôn trâu và bán thịt ở chợ, đã ca ngợi ông là người không bao giờ gian trá, bớt xén: “Đêm nghe gà thì dậy, hiểu một nghề thì tinh… Giết thịt phân chia nơi làng xóm, mức công bằng khéo tựa Trần Bình”.
Một người khác là nữ tiểu thương – thân mẫu của Tể tướng Vũ Duy Chí triều Lê – Trịnh. Sách “Công dư tiệp kí” cho biết, lúc còn trẻ bà buôn bán ở chợ.Bà nổi tiếng thành thật, không tham lam. Người đời còn truyền nhau một câu chuyện về nhân cách của bà:
“Mẹ Duy Chí là người nhân đức. Lúc trẻ tuổi thường đi các chợ buôn bán .Một hôm, có một người đàn bà bán lụa trong khi vội vã xếp gánh hàng, đánh rơi một bó lụa rồi đi, bà nhặt bó lụa ấy cất đi. Một lát sau, người bán lụa trở lại tìm kiếm, kêu khóc rầm rĩ. Bà hỏi han đích xác rồi đem lụa giao trả. Người bán lụa lấy ra hai tấm biếu bà để tạ ơn. Bà cười nói rằng: – Nếu tôi lấy hai tấm thì thà rằng tôi lấy cả bó, còn được nhiều hơn. Tôi thương chị mất của mà về, tất bị chồng con đánh mắng, cho nên tôi trả lại cho chị, chứ tôi có mong chị trả ơn đâu. Bà nhất định từ chối không nhận, mọi người ở chợ đều khen ngợi bà”.
Một vị nữ tiểu thương khác là thân mẫu của Nguyễn Vịnh – một vị quan giữ chức Tham chính dưới thời Lê. Bà cũng được người đời ngợi khen về sự thật thà khi đi buôn. Theo sách “Nam thiên trân dị tập”, có lần bà cũng nhặt được lụa của một người bỏ quên và nhất quyết chờ người ấy quay lại để trả. Sách còn nhận định có lẽ nhờ đức độ của mẹ nên con bà về sau mới có thể bảng vàng đề danh.
Khách nước ngoài tán thưởng
Không chỉ người trong nước khen ngợi, mà cả người ngoại quốc khi đến Việt Nam, dù phàn nàn rất nhiều về sự gian xảo, ăn cướp trắng trợn của một số thương nhân cũng như chính quyền một vài nơi, nhưng khi làm ăn, tiếp xúc với các thương nhân chuyên nghiệp, có đạo đức, họ cũng dành cho các thương nhân ấy nhiều lời tán thưởng.
William Dampier khen thương nhân nước ta có uy tín và sòng phẳng: “Còn những người làm nghề buôn bán thì họ sòng phẳng và thật thà. Tôi nghe một người kể lại rằng trong 10 năm buôn bán ở đây, ông ta đã giao dịch hàng nghìn bảng Anh nhưng chưa bao giờ ông ta bị thiệt tới 10 bảng với họ” (sách “Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688”).
Tavernier đánh giá thương nhân nước ta rất ngay thẳng và thành thật trong buôn bán. Ông viết: “Buôn bán với người Đàng Ngoài thì thích thú hơn và có lợi hơn với người Trung Hoa. Người Trung Hoa nếu có cơ hội lường đảo được là họ lường đảo ngay, khó mà có thể đối phó với những mánh khóe của họ được…Nhưng với người Đàng Ngoài, họ tròn trặn trong việc buôn bán. Buôn bán với họ thật dễ chịu” (sách “Tập du kí mới và kì thú về vương quốc Đàng Ngoài”).
Bìa sách Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài |
Còn giáo sĩ A. Rhodes thì nêu một ví dụ cụ thể để khẳng định đức tính không gian dối của thương nhân nước ta.“Hơn nữa về bạc, (các thương gia) không bao giờ nhận mà không cho thử và cân trước. Thí dụ, giữa thương gia với nhau họ thỏa thuận bao nhiêu líu lụa, thí dụ mười lăm hay hai mươi, mỗi đồng bạc giá mười ecu, khi bán lụa thì cân mười lăm hay hai mươi líu lụa và trong cân thì đặt một đồng bạc, nếu đúng số cân thí dụ mấy đồng bạc nặng một líu. Họ thi hành như thế một cách gọn gàng và không gian dối. Nếu ai còn nghi ngờ về vàng hay bạc tốt hay xấu thì có quyền đập ra thành mảnh con để dễ nhận hơn”(sách “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài”). Đoạn ghi chép của A. Rhodes cho thấy, thương nhân nước ta giao dịch với nhau đã lấy ngay thẳng thành thật làm đầu và biết tạo điều kiện để cả hai cùng hài lòng, đi đến chỗ thuận mua vừa bán.
Đạo đức buôn bán của thương nhân nước ta đã được người trong nước và nước ngoài xác nhận qua mấy điểm nổi bật như trên. Những khía cạnh đạo đức ấy xuất phát từ cái tâm của người đi buôn, qua quá trình vận động buôn bán liên tục mà hình thành và định hình, rồi biểu hiện ra bằng những hành động cụ thể trong khi buôn bán.
Chính sự uy tín, công bằng trong buôn bán đã tác động đến niềm tin và sự ủng hộ của người dân, giúp khuếch trương công việc của thương nhân. Mối quan hệ hai chiều giữa đạo đức buôn bán và hoạt động buôn bán cũng khuyến khích các thương nhân quan tâm giữ gìn tư cách và đạo đức kinh doanh, vừa nhằm tăng doanh thu, tăng khách hàng vừa nhằm thể hiện văn hóa kinh doanh của họ…/.