Tài buôn bán của người Việt xưa (Kỳ 2) – Nhà khai thác mỏ lừng danh triều Nguyễn

(PLO) -Nhân vật này chưa từng trải việc kinh doanh, cũng không nghèo khổ đến mức phải kiếm kế đổi đời, chỉ vì muốn nếm trải thử thách, làm việc ích nước lợi dân, cuối cùng không những bản thân thêm phú quý mà tiếng tốt để đời, vang danh với thiên hạ về năng lực kinh doanh hơn người. Đó là Chu Danh Hổ, một doanh nhân đầu thời Nguyễn…
 Chu Danh Hổ vừa khai thác mỏ vừa vận chuyển kẽm giúp triều đình (Tranh minh hoạ)
Chu Danh Hổ vừa khai thác mỏ vừa vận chuyển kẽm giúp triều đình (Tranh minh hoạ)

Theo sách “Đại Nam thực lục” (phần biên niên về đời vua Minh Mạng) và “Đại Nam hội điển sự lệ”, Chu Danh Hổ vốn người giàu có, sinh sống ở tỉnh Bắc Ninh. Năm 1835, dưới thời vua Minh Mạng, hưởng ứng lời triều đình kêu gọi những người có tài sản đứng ra nhận lãnh việc khai mỏ, Chu Danh Hổ đã xin khai thác kẽm ở mỏ Bản Sơn (thuộc tỉnh Thái Nguyên) và được chuẩn y.

Việc khai mỏ, triều đình e ngại

Thử sức mình, Chu Danh Hổ dấn thân

Trong lịch sử Việt Nam thời cổ, hoạt động khai thác khoáng sản được tiến hành từ thời Lý (1009 – 1226).Qua nhiều triều đại, đến triều Nguyễn (1802 – 1945), hoạt động này được triển khai trên quy mô lớn. Trong khoảng thời gian từ năm 1802 đến năm 1858, 139 mỏ vàng, bạc, đồng, kẽm,… đã được khai đào.

Bấy giờ có 5 phương thức khai mỏ: do nhà nước tổ chức, do thương nhân Hoa kiều lĩnh nhận, do các tù trưởng dân tộc thiểu số khai thác, do chủ mỏ là người Việt lĩnh trưng và do nhân dân địa phương tự khai thác rồi nộp thuế theo đầu người. Chu Danh Hổ là trường hợp thuộc phương thức thứ tư. 

Lúc bấy giờ, vùng Thái Nguyên có nhiều mỏ kẽm được phát hiện. Triều đình chưa kịp tổ chức công xưởng khai thác thì Chu Danh Hổ đã tình nguyện đứng ra xin khai thác một trong các mỏ ấy (mỏ Bản Sơn). Mức độ huy động nhân lực và nguồn vốn của Chu Danh Hổ rõ ràng không thể sánh với triều đình. Nhưng ông biết tìm hiểu và nhận thấy, sở dĩ triều đình chưa vội khai đào kẽm ở Thái Nguyên vì còn e ngại sản lượng thu được không như mong muốn – vốn đã xảy ra ở nhiều xưởng mỏ khác do triều đình trực tiếp chỉ đạo. 

Chu Danh Hổ được triều đình trọng vọng (Tranh minh hoạ)
Chu Danh Hổ được triều đình trọng vọng (Tranh minh hoạ)

Nguyên nhân dẫn đến hiệu quả khai thác thấp tại các mỏ do nhà nước trực tiếp chỉ đạo (mà khi triều đình bỏ cuộc, giao lại cho Hoa thương thì nhiều mỏ lại cho sản lượng khá cao) bắt nguồn từ chính sách khai thác của triều đình.

Ấy là nhân lực huy động tuy đông nhưng đa số là binh lính và những dân phu được triệu tập theo chế độ binh dịch, lao dịch; họ bị vắt kiệt sức lao động nhưng tiền công được nhận rất thấp, thậm chí không được trả công – điều này khiến họ không hết lòng vì công việc; mặt khác, kinh nghiệm khai đào, nấu quặng của họ gần như không có càng khiến các xưởng mỏ của triều đình như “hoa sớm nở tối tàn”. 

Như vậy, vấn đề tiền công và mức độ tự do của nhân công là điểm then chốt quyết định hiệu suất khai mỏ. Phân tích và hiểu được điều đó, Chu Danh Hổ đã bắt tay vào việc theo hướng thoả mãn tối đa, trong khả năng cho phép, hai nhu cầu nói trên.

Kinh doanh tài tình, triều đình nể trọng

Chu Danh Hổ tuyển mộ những người có kinh nghiệm khai thác kẽm, am hiểu kĩ thuật nấu quặng, trả công cao hơn tiền công trong trường mỏ của nhà nước, sử dụng họ theo chế độ thuê mướn nhân công, làm việc có giờ giấc nhất định. Mỗi phu mỏ và những thợ chuyên nấu lò được trả 12 quan tiền mỗi tháng, trong khi giá nhà nước cao nhất là 9 quan tiền mỗi tháng, thấp nhất là 1 tiền 30 đồng (<0,2 quan) mỗi tháng. 

Nhờ mạnh tay trả công cao để khuyến khích người thợ làm việc, xưởng mỏ của Chu Danh Hổ nhanh chóng hoạt động có hiệu quả. Số kẽm thu được ông đều bán cho nhà nước với giá 22 quan/100 cân, vì lúc này triều đình nắm độc quyền mua kẽm cũng như đồng, chì, thiếc,…

Thấy xưởng của Chu Danh Hổ vận hành tốt, số kẽm thu được khá lớn, triều đình quyết định tổ chức khai thác các mỏ kẽm còn lại ở Thái Nguyên. Lần này, triều đình không ngần ngại sai người đến học tập kinh nghiệm của Chu Danh Hổ.

Điều này được sách “Đại Nam hội điển sự lệ” chép khá rõ: Minh Mạng hạ lệnh cho hai viên quan là Lê Trường Danh, Vũ Đức Quyền phải “dựa vào người ấy (Chu Danh Hổ) mộ được dân có vốn quen nghề hai, ba người để chỉ bảo các lính biền đào lấy quặng, đặt lò nung nấu và những người ấy nên trả giá thuê bao nhiêu, cho bọn Lê Trường Danh căn cứ vào giá thuê mướn của Chu Danh Hổ, lấy tiền kho cấp trả”.

Sau đó, vua Minh Mạng còn hạ lệnh cho các viên quan phụ trách phải thuê lại một số phu mỏ và thợ cả của Chu Danh Hổ theo giá Chu Danh Hổ đã trả để hướng dẫn cách đào quặng và nấu lò. Qua việc này, từ chỗ là tư nhân khai thác mỏ, Chu Danh Hổ đã khiến triều đình phải học hỏi phương pháp của ông; nó giúp ông từ đây có thể gắn bó với chính quyền nhiều hơn, làm lợi cho công việc của ông.

Người mua kẻ bán tấp nập
Người mua kẻ bán tấp nập

Nhờ trữ lượng trong các mỏ khá lớn và được khai thác theo cách khác trước, số kẽm nhà nước thu được rất nhiều, khiến nhu cầu chuyên chở nguồn quặng thu được cũng tăng cao. Chu Danh Hổ không bỏ lỡ cơ hội, một lần nữa đứng ra xin lĩnh trâu của nhà nước để vận chuyển thuê cho các trường mỏ Lũng Sơn, Chỉ Sơn. Triều đình rất nhanh chóng đồng ý, quy định tuỳ theo nơi vận tải đến xa hay gần mà trả cho Chu Danh Hổ 3 tiền/100 cân kẽm hoặc 2 tiền/100 cân kẽm. Nhờ vậy, việc kinh doanh của Chu Danh Hổ được khuếch trương thêm.

Với những công lao trong khai thác kẽm và phụng sự triều đình, Chu Danh Hổ được vua Minh Mạng thưởng hàm Chánh Bát Phẩm Bá Hộ, trở thành người có vai vế trong hàng ngũ quan viên chức sắc tại địa phương. 

Đương thời, do tính chất khó khăn và bấp bênh của công việc, những người Việt giàu có không mấy mặn mà với việc khai mỏ. Chu Danh Hổ là tiêu biểu cho những người có đầu óc trọng lợi thực tế và gan dạ, dám xuất tiền của, chấp nhận rủi ro để đảm nhận việc kinh doanh mỏ, một hành động có thể giúp ích cho đất nước và đem về mối lợi cho người khai thác.

So với số người kinh doanh, buôn bán cùng thời, Chu Danh Hổ là một tấm gương thành công đáng ngưỡng mộ, có tác dụng kích thích nhất định đối với những người còn ngập ngừng vì lo sợ sự phân biệt “nghề ngọn nghề gốc” mà chưa mạnh dạn đến với nghề buôn bán…

Đọc thêm