Nữ thủ tướng đầu tiên
Bà Yingluck Shinawatra sinh năm 1967, là con út trong một gia đình người Thái gốc Hoa. Bà có 8 anh chị em, trong đó có cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Sau khi tốt nghiệp khoa Chính trị học tại Đại học Chiang Mai vào năm 1988, bà tới Mỹ học thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Kentucky, Mỹ. Trở về nước, bà tham gia kinh doanh rồi trở thành chủ tịch của công ty điện thoại di động trực thuộc Tập đoàn viễn thông Shin của ông Thaksin. Thời gian này, bà kết hôn với một doanh nhân giàu có và có 1 con trai.
Tháng 5/2011, Đảng Pheu Thái (Vì nước Thái) của bà giành được 265/500 ghế tại Quốc hội Thái Lan, đồng nghĩa với việc họ có quyền lập Chính phủ mới. Bà Yingluck được bầu làm Thủ tướng và đến ngày 8/8/2011 thì chính thức được Nhà vua phê chuẩn. Khi nhậm chức vào năm 2011, bà Yingluck là nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan và là thủ tướng trẻ nhất của nước này trong vòng hơn 60 năm.
Theo một khảo sát được thực hiện vào năm 2012, nội các của bà Yingluck được đánh giá cao nhất về năng lực kinh tế so với các chính phủ trước đó. Bản thân nữ thủ tướng cũng được nhiều người mến mộ bởi hình ảnh tươi mới, nụ cười luôn nở trên môi và một số chính sách hướng đến người nghèo.
Sóng gió ập đến
Chính trường Thái Lan được nhiều người nhận xét là không êm ả. Bằng chứng là việc ông Thaksin trở thành thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan điều hành trọn vẹn một nhiệm kỳ 5 năm. Dù được dân tín nhiệm bầu lại vào năm 2005 nhưng ông Thaksin cũng bị lật đổ ngay trong năm 2006.
Với bà Yingluck, sóng gió ập đến vào cuối năm 2013, khi các cuộc biểu tình do phe đối lập khởi xướng đòi Chính phủ của bà phải từ chức khiến hàng chục người thiệt mạng và bị thương. Ngày 22/5/2014, quân đội Thái Lan thông báo thực hiện đảo chính. Bà Yingluck bị phế truất.
Không dừng lại ở đó, tháng 1/2015, Quốc hội Thái Lan quyết định truy tố bà Yingluck về cáo buộc lơ là trách nhiệm trong việc giám sát thực hiện chương trình trợ giá lúa gạo được thực hiện khi bà nắm quyền. Bà đã phải nộp 900.000 USD để được tại ngoại nhưng vẫn bị quản thúc, cấm xuất ngoại và cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.
Theo các nhà quan sát, chính sách trợ giá lúa gạo – nguồn cơn của những rắc rối pháp lý mà bà Yingluck phải đối mặt - thực chất đã được nhiều chính phủ trước đó của Thái Lan thực hiện nhằm kiểm soát giá cả ở mùa thu hoạch lúa đồng thời giúp củng cố sự ủng hộ của nông dân dành cho Chính phủ.
Chính sách này được thực hiện dựa trên thực tế là vào mùa thu hoạch, khi lượng lúa gạo trên thị trường tăng cao, giá lúa gạo sẽ giảm mạnh xuống. Do đó, khi vào mùa vụ, chính phủ đề nghị nông dân tham gia các thỏa thuận mua bán, trong đó các nông dân sẽ thế chấp lúa gạo cho nhà nước để đổi lấy các khoản vay và sau đó chính phủ sẽ mua lại khi giá lúa gạo tăng lên.
Khi đến thời bà Yingluck, chính phủ của bà đã thực hiện chính sách này một cách mạnh mẽ hơn. Trong khoảng năm 2011 đến 2013, chính phủ Thái Lan đã mua hàng triệu tấn gạo với giá cao gấp đôi giá trị thường.
Theo bà Yingluck, việc thực hiện chính sách này là nhằm đảm bảo thu nhập cho người nông dân nghèo. Song, những người phản đối bà cho rằng nữ cựu thủ tướng thực chất đã dùng tiền ngân sách nhà nước để mua chuộc lá phiếu của cử tri.
Những người ủng hộ nữ cựu thủ tướng Thái Lan |
Cơ quan công tố cũng cho rằng bà Yingluck phải chịu trách nhiệm vì bà đã không giám sát chặt chẽ việc thực hiện chương trình và đã liên tục bỏ qua những cảnh báo cho rằng chương trình này đang bị nhiều đối tượng lợi dụng để trục lợi, dẫn đến tình trạng tham nhũng tràn lan. Vẫn theo cơ quan công tố, Thái Lan đã thiệt hại đến 15 tỉ USD vì chương trình này. Tuy nhiên, bà Yingluck luôn bác bỏ những cáo buộc về hành vi sai trái, khẳng định bà luôn trung thực và làm đúng phận sự khi làm thủ tướng.
Đến cuối năm 2016, chính phủ Thái yêu cầu phong tỏa tài sản của bà Yingluck và phạt bà 35 tỉ baht, tương đương 1,3 tỉ USD vì chính sách trên. Ngoài bà, nhiều thành viên cấp cao trong nội các của bà cũng đã bị truy tố.
Nghi án bỏ trốn chấn động
Sau hơn 2 năm tiến hành điều tra, xét xử, ngày 25/8, Tòa án tối cao Thái Lan tổ chức phiên tòa công bố phán quyết đối với bà Yingluck. Nếu bị buộc tội, bà sẽ phải đối mặt với mức án cao nhất là 10 năm tù giam và bị cấm hoạt động chính trị suốt đời theo hiến pháp mới của Thái Lan.
Tuy nhiên, trong tuyên bố khai mạc phiên tòa, thẩm phán tại Tòa án tối cao Thái Lan cho biết các luật sư của bà Yingluck thông báo bà không thể dự phiên tòa vì gặp phải vấn đề về tai nhưng không trình được giấy chứng nhận y khoa chứng minh thông tin này. Do đó, Thẩm phán tại Tòa án tối cao Thái Lan đã không chấp nhận và phát lệnh bắt giữ bà Yingluck vì lo ngại bà đã bỏ trốn ra nước ngoài. Phiên tòa công bố phán quyết được hoãn đến ngày 27/9 tới.
Tuy nhiên ngày 26/8, việc bà Yingluck đã bỏ trốn được nhiều nguồn tin xác nhận. Hãng tin CNN dẫn một nguồn tin cấp cao trong đảng Pheu Thai của bà Yingluck cho biết, 2 ngày trước khi phiên tòa, nữ cựu thủ tướng đã rời Thái Lan tới Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất an toàn.
Theo nguồn tin này, bà Yingluck đã bay trên một chiếc máy bay tư nhân tới tỉnh Trat ở miền đông Thái Lan rồi vượt biên sang Campuchia đón chuyến bay sang Singapore rồi tới Dubai. Nguồn tin cho biết thêm nhiều khả năng bà cựu thủ tướng sẽ xin tị nạn ở Anh.
Anh trai của bà Yingluck - ông Thaksin - hiện cũng đang sống lưu vong ở Dubai sau khi rời rời khỏi Thái Lan trước khi bị buộc tội tham nhũng và bị kết án 2 năm tù giam vào năm 2008. Kể từ đó cho đến nay, ông Thaksin được cho là đang sử dụng hộ chiếu Montenegro để đi lại giữa các ngôi nhà của ông ở Dubai, London, Hong Kong và Singapore.
Theo AFP, việc bà Yingluck biến mất dường như đã khiến ngay cả các thành viên trong gia đình bà cũng ngạc nhiên bởi một anh trai và chị gái của bà trong sáng 25/8 vẫn cùng hàng ngàn người ủng hộ đợi bà ở bên ngoài tòa án. Còn những người trung thành với gia tộc Shinawatra thì bày tỏ sự ủng hộ đối với động thái bỏ trốn của bà.
“Bà ấy bỏ trốn ra nước ngoài vì các thẩm phán hiện giờ là do quân đội bổ nhiệm, không mang tính dân chủ. Tôi rất vui vì như vậy bà ấy sẽ không bị tống giam”, ông Surachet Chaikosol, 59 tuổi, là một nhà hoạt động thuộc phe “Áo đỏ” nói.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng việc bà Yingluck bỏ trốn chắc chắn phải có sự hậu thuẫn của giới chức Thái Lan.
Các nguồn tin cho hay một quan chức cấp cao đã đi cùng với bà Yingluck. Chính người này đã dàn xếp để cuộc đào tẩu của nữ cựu thủ tướng được suôn sẻ. Theo các nhà phân tích, nghi vấn này hoàn toàn hợp lý bởi nếu không được chính quyền “bật đèn xanh”, bà Yingluck rất khó xuất ngoại khi đã có lệnh bắt của tòa án.
Mặt khác, nếu bà Yingluck ở lại và bị buộc tội, bị kết án, khả năng bùng phát bạo lực giữa những người ủng hộ bà và chính phủ là điều hoàn toàn có thể xảy ra, kéo theo những nguy cơ bất ổn lớn hơn.
Thêm vào đó, trong bối cảnh tổng tuyển cử tại Thái Lan theo thông báo của chính quyền quân sự sẽ diễn ra vào năm tới, việc bà Yingluck bị tống giam có thể sẽ khiến đảng của bà càng nhận được sự ủng hộ của cử tri hơn. Do đó, việc bà ra ngoài chính là phương án hợp lý nhất để dàn xếp mọi chuyện.
Có điều, với việc bà Yingluck ra đi, cuộc chơi chính trị của dòng họ Shinawatra từng giàu có và quyền lực bậc nhất Thái Lan với 3 người từng là thủ tướng như vậy có lẽ đã chính thức khép lại.