Bê bối tham nhũng 'dìm' Brazil trong khủng hoảng

(PLO) - Ngày 26/6, Bộ trưởng Tư pháp Brazil đã chính thức buộc tội tổng thống nước này, ông Michel Temer, vì hành vi tham nhũng, khiến ông trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên tại quốc gia lớn nhất châu Mỹ Latinh phải đối mặt với các cáo buộc phạm tội. 
Cáo trạng dài 64 trang của ông Janot (ảnh) cho biết, các khoản tiền hối lộ ông Temer nhận trong hơn 9 tháng qua có thể lên tới 12 triệu USD
Cáo trạng dài 64 trang của ông Janot (ảnh) cho biết, các khoản tiền hối lộ ông Temer nhận trong hơn 9 tháng qua có thể lên tới 12 triệu USD

Lời buộc tội của Bộ trưởng Rodrigo Janot là biểu hiện mới nhất trong một sự đối đầu đang ngày càng gia tăng giữa ông Temer và giới chức ngành tư pháp vốn đang xây dựng một cuộc tố tụng tham nhũng nhằm vào cả những nhân vật ở các cấp cao nhất. 

Cáo buộc nặng nề

Vụ kiện này hiện được trình lên Hạ viện của Quốc hội, nơi phải đưa ra quyết định xem nó có đáng để tố tụng hay không. Nếu 2/3 thành viên trong cơ quan lập pháp quyết định là có, thì tổng thống sẽ bị đình chỉ công việc trong khoảng thời gian lên tới 180 ngày khi phiên xét xử được tiến hành. Trong bản cáo trạng của mình, ông Janot cho biết vào một thời điểm nào đó trong vòng từ tháng 3 đến tháng 4 năm nay, ông Temer đã nhận một khoản tiền hối lộ trị giá khoảng 150.000 USD từ Joesly Batista, cựu chủ tịch Tập đoàn mổ giết gia súc khổng lồ JBS. 

Hồi tháng trước, ông Janot bắt đầu mở một cuộc điều tra ông Temer về các tội tham nhũng và cản trở tư pháp, cũng như việc tham gia một tổ chức tội phạm. Một đoạn ghi âm bị phát hiện đã thu lại được cuộc hội thoại lúc nửa đêm giữa ông Temer và ông Bastia, trong đó xác nhận khoản tiền đút lót cho cựu Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha - một đồng minh cũ của ông Temer hiện đang chịu án 15 năm tù vì tội tham nhũng. Batista đã đạt một thỏa thuận với các công tố viên liên bang về việc được biện hộ. Ông Temer đã bác bỏ các hành vi sai trái và nhấn mạnh ông sẽ không từ chức, bất chấp hàng loạt yêu cầu đòi ông làm như vậy và tỷ lệ tín nhiệm của ông sụt giảm nghiêm trọng. Văn phòng của tổng thống cho biết sẽ không đưa ra bình luận nào về sự việc này. 

Quyết định của ông Janot chỉ khởi tố tội danh tham nhũng có thể là một chiến lược để thúc ép Hạ viện giải quyết vụ việc này trước tiên, rồi sau đó sẽ cân nhắc các tội danh khác. Các đồng minh của ông Temer hiện đang bị giằng xé giữa những lựa chọn là tiếp tục ủng hộ vị lãnh đạo đang bị bao vây tứ phía hay quay lưng với ông vì lo ngại liên minh chính trị của mình sẽ bị ảnh hưởng trong các cuộc bầu cử vào năm tới. 

Bản cáo trạng dài 64 trang của ông Janot là những lời luận tội sắc bén với ông Temer và hành động của ông trong vai trò nhà lãnh đạo hàng đầu của Brazil. Janot cho biết các khoản tiền hối lộ ông Temer nhận trong hơn 9 tháng qua có thể lên tới 12 triệu USD, và nhìn chung ông Temer đã thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với chức vụ của mình. Bản cáo trạng có đoạn viết: “Bối cảnh của cuộc gặp với ông Batista - vào buổi đêm và không có bất cứ ghi chép nào trong chương trình làm việc chính thức của tổng thống - đã cho thấy ý đồ không muốn để lại dấu vết các hành vi phạm tội”. 

Đối mặt với từ chức

Sáng 26/6, ông Temer vẫn cố thể hiện rằng chính phủ ông đang làm việc bình thường và tỏ ra cố chấp trong những bình luận đầu tiên sau khi trở về từ chuyến đi đầy tai tiếng đến Nga và Na Uy rằng ông sẽ không đi đâu hết. Phát biểu trong buổi lễ ký kết một dự luật tại Thủ đô Brasilia, ông nói: “Không gì có thể hủy hoại cả tôi lẫn các bộ trưởng của tôi”. 

Tuy nhiên, bất chấp thái độ lạc quan này, ông Temer thực tế đang phải đối mặt với các mối nguy hiểm đe dọa nhiệm kỳ tổng thống của mình trên nhiều mặt trận, từ tỷ lệ tín nhiệm sụt giảm đến hàng loạt yêu cầu - từ cả các chính trị gia có ảnh hưởng - đòi ông phải từ chức. Rất ít người đón tiếp ông ở Đại sứ quán Brazil tại Moskva, cũng không có quan chức cấp cao nào của Na Uy chào đón ông tại sân bay Oslo và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg còn “rao giảng” ông Temer bằng một bài “thuyết trình” công khai về Chiến dịch điều tra khổng lồ mang tên “Rửa xe” đã gây hoang mang cho chính giới Brazil và thậm chí có thể đẩy ông Temer và một số bộ trưởng trong nội các của ông vào tù. 

Khởi động từ tháng 3/2014, chiến dịch điều tra hàng tỷ USD trong các hợp đồng xây dựng bị thổi phồng và tiền lót tay cho các chính trị gia đã đưa hàng chục tinh hoa chính trị của đất nước vào nhà giam và đang đe dọa sẽ có thêm nhiều người nữa bị bỏ tù. Thủ tướng Na Uy cho biết “Chúng tôi rất lo ngại về cuộc điều tra ‘Rửa xe’”, đồng thời nhấn mạnh việc “thanh lọc” tệ nạn tham nhũng là rất cần thiết với Brazil.

Đỉnh điểm, trong chuyến thăm của ông Temer, Na Uy đã tuyên bố cắt giảm 50% ngân quỹ dành cho quỹ rừng nguyên sinh Amazon của Brazil vì nạn phá rừng đang ngày càng gia tăng ở đất nước Nam Mỹ này. Mặc dù tình trạng này đã xuất hiện từ trước khi ông Temer nhậm chức năm ngoái, song giới bảo vệ môi trường cho rằng các chính sách của ông đang khiến vấn đề này ngày càng tồi tệ. Mauricio Santoro, chuyên gia nghiên cứu chính trị tại Đại học Quốc gia Rio de Janeiro, nhận định: “Chuyến công du này của ông Temer nhằm mục đích làm chệch hướng dư luận khỏi các vấn đề chính trị trong nước, song nó đã kết thúc bằng một thảm họa”. 

Michel Temer, người lên nắm giữ chức Tổng thống Brazil hồi tháng 5/2016 sau khi cựu Tổng thống Dilma Rousseff bị kết tội và trục xuất khỏi vị trí lãnh đạo, hiện cũng đang đối mặt với tương lai mờ mịt khi đang hứng chịu tỷ lệ tín nhiệm thấp nhất của một tổng thống Brazil kể từ năm 1989 đến nay. Số liệu của viện thăm dò dư luận Datafolha cho thấy hồi cuối tuần trước, chỉ có 7% số người được hỏi ủng hộ chính quyền của ông Temer - một tỷ lệ tồi tệ nhất kể từ khi đất nước này chìm trong cuộc khủng hoảng lạm phát khổng lồ dưới thời Tổng thống Jose Sarney.

Ngay cả những đồng minh cứng rắn nhất cũng đã bắt đầu quay lưng với ông Temer. Phó Tổng thống Fernando Henrique Cardoso, người lúc đầu ủng hộ ông Temer đã phát biểu trong một bài báo đăng trên nhật báo Folha de S.Paulo ngày 26/6 rằng Tổng thống Temer có thể kết thúc cuộc khủng hoảng bằng cách sớm tiến hành các cuộc bầu cử mới trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2018...