Điều kì diệu của 'cơ chế tự chữa lành'

(PLVN) - Nói đến “cơ chế tự chữa lành” của cơ thể không phải là những luận điểm phản khoa học, trào lưu “thuận tự nhiên” cực đoan đang lan truyền như từ chối can thiệp y tế, thuốc men, vaccine để tự khỏi bệnh. Đây là nguyên lý kì diệu của cơ thể trong quá trình thích ứng với tự nhiên và những liệu pháp khoa học, tôn trọng tự nhiên, không lạm dụng thuốc để cơ thể có điều kiện phát huy hết vai trò “tự chữa lành” của mình.
Sống lành mạnh, khoa học chính là cách để nâng cao khả năng “tự chữa lành” của cơ thể. (Ảnh: ST)

Sức mạnh của “cơ chế tự chữa lành”

Trong cuộc sống hiện đại, cụm từ “cơ chế tự chữa lành” ngày càng được nhắc đến nhiều hơn, gắn liền với những câu chuyện đầy cảm hứng về sự hồi phục của con người trước bệnh tật, căng thẳng và tổn thương tâm lý. Tuy nhiên, điều đáng buồn là khái niệm này đang bị một số trào lưu “thuận tự nhiên” cực đoan bóp méo, dẫn đến việc từ chối các can thiệp y tế cần thiết như tiêm vaccine hay sử dụng thuốc điều trị. Để hiểu đúng và đầy đủ về “cơ chế tự chữa lành” của cơ thể, chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa việc tôn trọng tự nhiên và việc đi ngược lại khoa học.

Trong chúng ta luôn tồn tại một vị “thầy thuốc”. Thực tế, cơ thể con người là một hệ thống kết nối hoàn hảo, tinh vi, nhịp nhàng hơn bất cứ loại máy móc hiện đại nào. Trong tất cả những hệ thống đó (bao gồm tuần hoàn, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, miễn dịch, tủy xương, tạo máu, tế bào gốc…) đều có một vị “bác sĩ trưởng”. Khi cơ thể phát sinh vấn đề, ngay lập tức vị thầy thuốc này sẽ được điều đến để chữa trị tức thời, một cách hoàn hảo để cơ thể duy trì sự sống tốt nhất trước khi chúng ta biết bệnh và tìm đến can thiệp y tế.

Có thể nói, “cơ chế tự chữa lành” là một đặc điểm sinh học đặc biệt của cơ thể con người. Đây là quá trình mà cơ thể tự động kích hoạt để sửa chữa tổn thương, tiêu diệt mầm bệnh và phục hồi chức năng. Các nhà khoa học đã chứng minh, cơ thể con người khi gặp phải bệnh tật và các tổn thương, sẽ có những phản ứng của cơ thể xảy ra dẫn đến quá trình cơ thể “tự điều trị” tổn thương. Như khi bị thương, cơ thể sẽ xảy ra cái gọi là “phản ứng viêm”. Khi ấy, cơ thể sẽ lập tức đưa máu đến vùng bị tổn thương để mang theo bạch cầu và tiểu cầu giúp chống nhiễm trùng và làm lành vết thương. Hoặc khi da và các mô bị tổn thương có khả năng tự phục hồi thông qua việc sản sinh tế bào mới. Hệ miễn dịch của cơ thể cũng chính là một trong những biểu hiện của cơ chế tự chữa lành. Đây chính là “bức tường thành” quan trọng giúp cơ thể chống lại virus, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác.

Những cơ chế này không chỉ là một phần của bản năng sinh tồn mà còn cho thấy sự hòa hợp giữa cơ thể và môi trường sống. Tuy nhiên, để cơ chế này hoạt động hiệu quả, cơ thể cần được chăm sóc đúng cách thông qua dinh dưỡng, vận động và nghỉ ngơi hợp lý.

Một ví dụ rõ nét thường được các chuyên gia y tế đưa ra chính là bệnh cúm. Hầu hết các bệnh cảm cúm đều tự khỏi trong vòng 5 - 7 ngày. Thực tế, thuốc cảm chỉ giúp giảm các triệu chứng như sổ mũi, ho, chứ không thể chữa khỏi bệnh. Điều giúp đẩy lùi bệnh ở đây chính là cơ chế tự nhiên của cơ thể, khi bị vi khuẩn hoặc virus tấn công, hệ thống tự chữa lành sẽ huy động các tế bào miễn dịch để chống lại “kẻ thù”.

Việc lắng nghe cơ thể, để cho cơ thể tự điều chỉnh và tôn trọng tiến trình tự nhiên là rất quan trọng, tuy nhiên, như vậy không đồng nghĩa với việc từ chối hoàn toàn các can thiệp y tế. Một số trào lưu sống “thuận tự nhiên” cực đoan hiện nay hướng đến việc bài trừ thuốc men, vaccine, khám, chữa bệnh, vai trò của cơ sở y tế và bác sĩ đang gây nguy hiểm không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả cộng đồng. Những lập luận như “để cơ thể tự khỏi bệnh” hay “từ chối thuốc men” một cách thiếu căn cứ và cực đoan có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với các bệnh truyền nhiễm.

Theo các chuyên gia, phát huy tối đa sức mạnh “cơ chế tự chữa lành” của cơ thể, chính là sự kết hợp giữa khoa học và tự nhiên với các nguyên tắc sống lành mạnh. Đầu tiên là thói quen không lạm dụng thuốc, một thói quen thường gặp trong cộng đồng. Nghĩa là cứ mệt, đau, bệnh là sẽ “tự kê đơn” và mua thuốc uống không có sự chỉ định của bác sĩ, dẫn đến tình trạng nhờn thuốc hoặc tác dụng phụ không mong muốn.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi bị bệnh, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, mỗi người cũng cần ý thức tìm hiểu, bổ sung các thực phẩm, dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như các loại vitamin, khoáng, các “dược liệu” gần gũi hàng ngày như gừng, nghệ, chanh, tỏi, rau thơm, trái cây... để giúp cơ thể tăng sức đề kháng, tăng khả năng “tự chữa lành”.

Cạnh đó, xây dựng một lối sống lành mạnh, hợp lý là cực kì cần thiết, như việc ăn uống khoa học, hợp lý, cân bằng dinh dưỡng, hạn chế các loại thức ăn, uống độc hại cho cơ thể, ngủ đủ giấc, tập luyện thể thao... Đồng thời, việc thực hành yoga, thiền, hoặc các liệu pháp trị liệu không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn thúc đẩy quá trình “tự chữa lành” của cơ thể.

Tâm hồn cũng có “cơ chế tự chữa lành”

“Cơ chế tự chữa lành” không chỉ giới hạn ở thể chất mà còn bao gồm cả tâm lý. Những tổn thương tâm lý như stress, lo âu hay trầm cảm cũng cần được chú ý và chữa lành kịp thời.

Thực chất, nhiều trường hợp, khi xảy ra những tổn thương, biến động, sang chấn tâm lý, nhiều người vẫn thường tìm đến các liệu pháp bên ngoài. Ví dụ như tìm một mối quan hệ mới để khỏa lấp tổn thương từ mối quan hệ trước đó, tìm đến những cuộc vui náo nhiệt để bù đắp khoảng trống tâm hồn... Tuy nhiên, kết quả nhận được đôi khi lại là những tổn thương càng bị khoét rộng, những khoảng trống càng mênh mông hơn.

Các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng, chữa lành tổn thương trong tinh thần, trước hết và hiệu quả nhất, vẫn luôn là dựa vào chính mình, từ việc xây đắp nội tại vững vàng. Đó cũng chính là cách phát huy “cơ chế tự chữa lành” của tâm hồn. Trong các bài giảng của Thiền sư Thích Minh Niệm, chuyên gia nghiên cứu tâm lý trị liệu, ông thường đưa ra lời khuyên khi đối mặt với tổn thương, quan trọng nhất để chữa lành là “hướng vào bên trong”. Đầu tiên và quan trọng nhất, đó là việc nhận diện tổn thương, nhìn thấy rằng ta có nỗi đau, nỗi đau đang tồn tại ở đó. Tiếp sau quá trình nhận diện, chính là sự chấp nhận. Không cố gắng xua đuổi, từ chối, phủ nhận nỗi đau mà chấp nhận nhìn thẳng vào nỗi đau ấy. Để thương tổn và nỗi đau được đi đúng tiến trình của mình, chính là một phần của hành trình “tự chữa lành”. Rồi sau đó, mỗi người sẽ tự phát triển những điều tích cực từ trong tâm hồn, thông qua các liệu pháp tự thân để chữa lành cho chính mình.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tâm trạng tích cực, lòng biết ơn và sự kết nối xã hội có thể kích hoạt các hormone như endorphin và oxytocin, giúp cải thiện cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Các chuyên gia tâm lý cũng đã đưa ra một số cách để hỗ trợ “cơ chế tự chữa lành” tâm hồn. Đó là việc thực hành lòng biết ơn bằng cách viết nhật ký hoặc suy ngẫm về những điều tốt đẹp trong cuộc sống mà ta nhận được hằng ngày, hằng giờ. Điều này có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.

Một cách hiệu quả để gieo hạt giống tích cực chính là tạo kết nối. Đầu tiên là sự kết nối với chính mình, là tập lắng nghe trái tim, hiểu rằng mình đang thực sự muốn gì, cần gì. Kết nối quan trọng tiếp theo là sự giao tiếp với người thân, bạn bè, với người xung quanh để có thể nói ra, chia sẻ, giúp giải tỏa cảm xúc tiêu cực.

Cạnh đó, khi đối mặt với các vấn đề tâm lý nghiêm trọng bị mất phương hướng, gặp khó khăn về cảm xúc, loay hoay không biết hướng ra, việc tìm kiếm sự hỗ trợ là rất cần thiết. Khi ấy, tìm đến một người thầy tinh thần hoặc người biết thấu hiểu, sẻ chia, hay các chuyên gia tâm lý là điều rất cần thiết.

Có thể nói, cơ chế “tự chữa lành” là một món quà kỳ diệu của tự nhiên, nhưng để món quà này phát huy tối đa giá trị, chúng ta cần hiểu đúng và thực hành đúng. Tôn trọng cơ thể không có nghĩa là từ chối khoa học, mà là sử dụng khoa học để hỗ trợ cơ thể đạt được sự cân bằng tự nhiên. Hãy để cơ thể và tâm hồn được chữa lành trong sự hài hòa giữa tự nhiên và khoa học.