Khi vẻ ngoài không thể 'chữa lành' khoảng trống tâm hồn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong xã hội hiện đại, ngoại hình dần trở thành chuẩn mực quan trọng trong việc đánh giá giá trị bản thân, đặc biệt đối với nhiều chị em phụ nữ, khiến họ lao vào cuộc đua làm đẹp, sửa sang nhan sắc. Tuy nhiên, cuộc săn tìm vẻ đẹp bề ngoài lại không thể lấp đầy những khoảng trống về tinh thần, không thể "chữa lành" tâm hồn bên trong cho nhiều người.
Giá trị bền vững để giữ gìn hạnh phúc lâu dài lại không nằm ở vẻ bề ngoài mà xuất phát từ chính phẩm chất, lối sống, sự thấu hiểu và lòng kiên nhẫn. (Nguồn: Lovepik)
Giá trị bền vững để giữ gìn hạnh phúc lâu dài lại không nằm ở vẻ bề ngoài mà xuất phát từ chính phẩm chất, lối sống, sự thấu hiểu và lòng kiên nhẫn. (Nguồn: Lovepik)

Đằng sau những “cuộc đua” nhan sắc

Hiện nay, trào lưu theo đuổi vẻ đẹp hình thức đang lan rộng, đặc biệt trong giới trẻ. Bằng sự tác động của mạng xã hội và truyền thông, ngày càng nhiều chị em tìm đến các viện thẩm mỹ, thậm chí các cơ sở không phép để chỉnh sửa nhan sắc nhằm sở hữu ngoại hình hoàn hảo. Với sự phát triển của công nghệ làm đẹp, việc thay đổi diện mạo dường như đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết và cũng trở thành "con đường ngắn" để một số người tìm kiếm sự tự tin, thành công hay hạnh phúc. Tuy nhiên, đằng sau làn sóng thẩm mỹ đó là một thực trạng đáng lo ngại: những gương mặt giống nhau như khuôn đúc, không bản sắc, không dấu ấn cá nhân và hệ lụy lớn hơn là sự suy giảm các giá trị cốt lõi trong nhân cách, lối sống.

Giờ đây, những câu chuyện thành công sau khi phẫu thuật thẩm mỹ dày đặc trên các nền tảng xã hội, từ Facebook, TikTok đến Instagram, các chương trình truyền hình thực tế, thu hút hàng triệu người xem, quan tâm. Các hội nhóm trên mạng chuyên chia sẻ về làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ trở thành nơi để chị em tìm hiểu, kết nối, thậm chí thi nhau khoe những ca phẫu thuật của mình như một thành tích cá nhân, quảng cáo cho các cơ sở, dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp. Chỉ cần vài thao tác tìm kiếm, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận với hàng loạt nhóm cộng đồng với các tiêu đề như “Review thẩm mỹ Hàn Quốc”, “Chia sẻ kinh nghiệm làm đẹp”, hay “Kinh nghiệm dao kéo”... với ngồn ngộn những hình ảnh về các ca phẫu thuật thẩm mỹ thành công, những “lột xác” về nhan sắc, những câu hỏi liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ...

Nắm bắt xu hướng làm đẹp đang thịnh hành, nhiều viện thẩm mỹ đã nhanh chóng “mọc lên như nấm”, đầu tư tiền “khủng” cho quảng cáo, tiếp cận người dùng. Bên cạnh các trung tâm có uy tín là sự xuất hiện tràn lan của các cơ sở làm đẹp không phép, thậm chí là làm “chui”. Những cơ sở này thường không có đủ các tiêu chuẩn y tế và an toàn, nhưng vẫn thu hút đông đảo khách hàng nhờ các chiêu thức quảng cáo hấp dẫn và giá cả "phải chăng". Người ta bị thuyết phục bởi những hình ảnh lộng lẫy, những lời hứa hẹn thay đổi nhan sắc nhanh chóng, mà quên mất các hậu quả tiềm ẩn. Đã xảy ra những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến các cơ sở thẩm mỹ “chui” hoặc không đủ chức năng thực hiện những ca phẫu thuật quan trọng nhưng vẫn làm bất chấp, gây thiệt hại về sức khỏe, nguy hiểm tính mạng cho người làm đẹp.

Bên cạnh đó, kể cả với các trung tâm được cấp phép, phẫu thuật thẩm mỹ không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như ý, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Không ít trường hợp các ca phẫu thuật thất bại đã để lại những hậu quả nặng nề, từ biến dạng gương mặt đến tổn thương sức khỏe vĩnh viễn, thậm chí mất mạng. Đằng sau vẻ đẹp bề ngoài mà nhiều chị em kỳ vọng là những nguy cơ tiềm tàng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của họ, khiến họ không chỉ tổn thương về mặt thể chất mà còn kéo dài sang tổn thương tinh thần. Hành trình theo đuổi một vẻ đẹp hoàn mỹ đôi khi lại là nguyên nhân dẫn đến bi kịch, những bi kịch mà họ sẽ phải trả giá bằng sức khỏe và thời gian quý báu của chính mình.

Một hệ quả khác từ việc quá mải mê đuổi theo vẻ đẹp ngoại hình chính là sự ra đời của những nhan sắc "nhân bản vô tính". Không khó để bắt gặp những gương mặt gần như giống nhau, chuẩn chỉnh theo cùng một mẫu: chiếc mũi cao, đôi mắt hai mí to tròn, môi trái tim và cằm V-line. Hàng loạt các “hot girl”, “influencer” hay thậm chí người bình thường bỗng chốc trở nên khó phân biệt với nhau. Thẩm mỹ không còn đơn thuần là công cụ để cải thiện khuyết điểm mà dần trở thành một “công thức” nhan sắc công nghiệp, khiến nhiều người đánh mất bản sắc riêng. Chính điều này đã làm dấy lên câu hỏi: liệu sự "hoàn hảo" mà nhiều người khao khát có thật sự là vẻ đẹp, hay chỉ là một sự sao chép vô thức của chuẩn mực thị trường?

Khoảng trống không thể “lấp đầy” bằng nhan sắc

Không chỉ là vấn đề ngoại hình, trào lưu chạy theo vẻ đẹp ngoại hình còn tác động sâu sắc đến cách sống và thái độ của một bộ phận người trẻ. Nhiều người, do đổ dồn sự đầu tư vào nhan sắc đã bỏ quên việc trau dồi các giá trị bên trong như phẩm chất đạo đức, khả năng tư duy, lòng nhân ái. Mải mê làm đẹp, họ trở nên thờ ơ với những mối quan tâm khác trong cuộc sống, trở nên hời hợt và nhạt nhẽo như những "búp bê trong tủ kính". Những người này dễ rơi vào “cạm bẫy” của sự trống rỗng, khi vẻ bề ngoài được xây dựng một cách giả tạo nhưng lại thiếu nền tảng vững chắc từ bên trong, chạy theo các giá trị vật chất ngoại thân. Chính sự thiếu hụt đó khiến họ không thể cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc thực sự, mà chỉ mãi mãi đuổi theo những ảo tưởng, viển vông.

Việc làm đẹp không sai và việc khao khát trở nên hoàn hảo là điều dễ hiểu, nhưng cần có sự tỉnh táo và ý thức sâu sắc về giá trị thực sự của mỗi cá nhân. (Ảnh minh họa - Nguồn: TN)

Việc làm đẹp không sai và việc khao khát trở nên hoàn hảo là điều dễ hiểu, nhưng cần có sự tỉnh táo và ý thức sâu sắc về giá trị thực sự của mỗi cá nhân. (Ảnh minh họa - Nguồn: TN)

Không ít chị em lao vào các dịch vụ thẩm mỹ với mong muốn cải thiện nhan sắc để tự tin hơn, cảm thấy mình xinh đẹp hơn, từ đó hy vọng có thể dễ dàng giữ gìn hạnh phúc gia đình hoặc thu hút được đối tượng mà họ mong đợi. Thế nhưng, rất nhiều người sau khi đã đạt được vẻ đẹp như ý vẫn cảm thấy không thỏa mãn, thậm chí “nghiện” chỉnh sửa sắc đẹp, sửa đi sửa lại những đường nét vốn đã hoàn hảo. Một phần lớn trong số họ vẫn không cảm thấy tự tin hơn, không cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Ngược lại, cảm giác tự ti về ngoại hình dường như lại ngày một gia tăng, trở thành mối lo thường trực và áp lực không nhỏ. Nhiều người dường như quên mất rằng việc làm đẹp bề ngoài không đồng nghĩa với việc có thể “chữa lành” tâm hồn hay mang lại sự bình yên bên trong.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga chia sẻ: “Trong quá trình tham vấn tâm lý cho các chị em, tôi gặp nhiều người dùng cách thức tu bổ, sửa chữa nhan sắc để níu kéo hạnh phúc, như những người vợ quyết tâm phẫu thuật, làm đẹp để “giữ” chồng, đem chồng về từ tay “người thứ ba”, hoặc vá víu hôn nhân đang trên đà đổ vỡ. Có những cô gái bỏ số tiền lớn phẫu thuật thẩm mỹ “toàn diện” để mong đổi đời, gặp được đối tượng kết hôn xứng đáng. Tất nhiên, sẽ có những người đạt được điều họ mong muốn. Trong khuôn khổ những trường hợp mình tham vấn, tôi nhận thấy nhiều phụ nữ dẫu cho đã bỏ tiền bạc, thời gian cho cuộc đua nhan sắc, nhưng cái họ nhận lại vẫn là sự bất như ý và tổn thương. Có những phụ nữ, dẫu cho sửa nhan sắc đến lần thứ 3, hôn nhân vẫn tan vỡ, với lý do người chồng đưa ra là “gia đình không có hơi ấm”. Có những cô gái dù “lột xác” với nhan sắc lộng lẫy, nhưng trong cuộc truy tìm tình yêu vẫn cứ như tìm trăng nơi đáy nước, gặp phải những kẻ lừa đảo, sở khanh, gây nhiều đau khổ. Và không ít phụ nữ dẫu có sửa sang nhan sắc đến bao nhiêu lần đi nữa, vẫn không lấy được sự tự tin, kiêu hãnh cho mình sau bao vấp váp, tổn thương. Tôi nghĩ rằng, việc sở hữu một gương mặt đẹp, một ngoại hình hoàn hảo không phải là yếu tố quyết định sự tự tin hay hạnh phúc của mỗi người. Dù nhan sắc có thể giúp họ thu hút người khác trong thoáng chốc, nhưng những giá trị bền vững để giữ gìn hạnh phúc lâu dài lại không nằm ở vẻ bề ngoài mà xuất phát từ chính phẩm chất, lối sống, sự thấu hiểu và lòng kiên nhẫn. Có một sự thật là, nếu bản thân không cảm thấy hài lòng từ bên trong, thì dù có làm đẹp thế nào, sự tổn thương, trống rỗng và bất an vẫn sẽ ở lại”.

Việc làm đẹp không sai và việc khao khát trở nên hoàn hảo là điều dễ hiểu, nhưng cần có sự tỉnh táo và ý thức sâu sắc về giá trị thực sự của mỗi cá nhân. Phụ nữ có thể đẹp lên nhờ thẩm mỹ, nhưng điều đó không đảm bảo họ sẽ đạt được thành công, hạnh phúc hay sự bình yên. Vẻ đẹp thật sự là khi chúng ta biết chấp nhận, yêu thương bản thân mình, không ngừng học hỏi và phát triển từ bên trong. Ngoại hình đẹp có thể là một lợi thế, nhưng nó sẽ không còn ý nghĩa nếu con người bên trong chúng ta rỗng tuếch và yếu đuối. Chính sự đồng điệu giữa vẻ ngoài và nội tâm mới là nền tảng tạo nên vẻ đẹp vĩnh cửu. Trào lưu thẩm mỹ rồi sẽ thay đổi, nhưng giá trị cốt lõi của một con người, nếu được xây dựng vững chắc, sẽ trường tồn mãi mãi.

Đọc thêm