Điều kiện an toàn để người lao động nơi giãn cách đi làm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đây là nội dung đáng chú ý tại Công văn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và VCCI về việc tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đảm bảo thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động (LĐ) và sự phát triển của doanh nghiệp (DN), ngày 14/7/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và VCCI thống nhất hướng dẫn và khuyến nghị các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo các điều kiện an toàn.

Công văn nêu trên yêu cầu các DN bố trí phương án vừa cách ly, vừa sản xuất tại DN trong thời điểm nâng cao việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Khi tình hình dịch được kiểm soát và ổn định thì không thực hiện phương án này. Việc bố trí làm việc, nơi ở tập trung tại DN phải đáp ứng được các yêu cầu phòng, chống dịch, công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Văn bản nói trên cũng khuyến nghị: Chỉ được tổ chức sản xuất, kinh doanh khi DN và người LĐ thực sự an toàn; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; kịp thời, công khai thông tin; tăng cường các khuyến cáo, cảnh báo; người sử dụng LĐ và người LĐ (hoặc tổ chức công đoàn) bàn bạc, thống nhất phương án phù hợp với tình hình DN và yêu cầu của chính quyền địa phương (trừ trường hợp cấp thiết)…

Đáng chú ý, một số khuyến nghị về các điều kiện an toàn thực hiện đối với người LĐ đi làm khi địa phương giãn cách được các cơ quan trên hướng dẫn như sau: Địa phương đang thực hiện giãn cách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, khi có nguy cơ lây nhiễm tại nơi ở và nơi làm việc, người LĐ được phép đi làm khi có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút Sars-CoV-2 (Test nhanh/RT-PCR) phù hợp với yêu cầu của chính quyền địa phương;

Địa phương đang thực hiện giãn cách mà cần phải bố trí người LĐ lưu trú tập trung tại DN để phòng dịch, hoặc nơi lưu trú tập trung do DN tổ chức thì người LĐ phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi vào nơi lưu trú tập trung. Trong thời gian ở khu lưu trú tập trung của DN, theo yêu cầu của chính quyền địa phương, người LĐ có thể phải tiếp tục được xét nghiệm.

Đối với người sử dụng LĐ, Công văn số 2242 khuyến nghị: DN thực hiện 03 tại chỗ (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ) theo phương án giãn cách, chia ca kíp đảm bảo an toàn; đảm bảo điều kiện về nơi lưu trú tập trung của người LĐ (nếu thực hiện việc lưu trú tập trung) theo quy định tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 5/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế; đảm bảo chất lượng bữa ăn, sức khỏe người LĐ; yêu cầu nhanh chóng thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ người LĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, người LĐ ngừng việc, chấm dứt hợp đồng LĐ và các chính sách khác theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các chính sách của địa phương quy định và các quy định pháp luật hiện hành; chăm lo đảm bảo trước hết, trên hết quyền lợi và an toàn cho người LĐ;

Chủ động tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch, các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương cho người LĐ, không để tình trạng hoảng loạn, mất trật tự, an toàn, không để đối tượng xấu lôi kéo, lợi dụng gây bất ổn trong DN; phối hợp với các cơ sở y tế đủ năng lực để chuẩn bị sẵn sàng số lượng xét nghiệm nhanh dự phòng đảm bảo đủ xét nghiệm 2 lần cho toàn bộ số lượng người lao động có mặt tại DN; lập danh sách thông tin người LĐ theo mẫu và cập nhật định kỳ 3 ngày/lần, cập nhật kết quả xét nghiệm trước 15 giờ hàng ngày (nếu có) và báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Đọc thêm