Điều phụ huynh cần biết về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nước đã và đang đẩy nhanh nỗ lực tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em trong bối cảnh biến thể Omicron bùng phát mạnh.

Hong Kong mở chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi, coi đây là bước cần thiết để mở cửa trở lại trường học. Ảnh: SCMP

Giới khoa học khẳng định tiêm chủng có thể giúp trường học trở lại hoạt động bình thường, đồng thời cảnh báo trẻ em có nguy cơ mắc bệnh nặng, thậm chí tử vong, nếu không may bị mắc COVID-19 mà chưa được tiêm phòng.

Số trẻ em nhiễm COVID-19 ngày một tăng khi biến thể Omicron lây lan mạnh trên toàn cầu. Thực tế này cho thấy vaccine chưa bao phủ rộng đối với trẻ em. Đây là động lực để chính quyền nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đẩy mạnh nỗ lực tiêm chủng đối với trẻ nhỏ, nhất là trẻ từ 5-11 tuổi, sau khi chiến dịch tiêm chủng đã được mở rộng đối với trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi. Như tại Hong Kong (Trung Quốc), có khoảng 400.000 trẻ từ 5-11 tuổi sắp được tiêm chủng bằng vaccine Sinovac và Pfizer/BioNTech.

Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi về ảnh hưởng của vaccine đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Dưới đây là những vấn đề được các bậc cha mẹ quan tâm nhất liên quan đến việc tiêm phòng vaccine cho trẻ nhỏ.

Lợi ích từ việc tiêm vaccine cho trẻ

Số ca trẻ em nhiễm và nhập viện do COVID-19 đang tăng lên ở nhiều nước. Trong tuần trước, Mỹ ghi nhận khoảng 1,1 triệu trẻ em dương tính với SARS-CoV-2, cao gấp đôi so với hai tuần trước đó, đưa tổng số ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em tại nước này lên 10,6 triệu ca.

Theo Giáo sư Terence Stephenson tại Đại học London (Anh), tỉ lệ tiêm chủng vaccine ở trẻ em tại đa số các nước đều thấp hơn so với tỉ lệ ở người trưởng thành. Sau hai năm đối mặt với đại dịch, trẻ em bị gián đoạn việc học hành và phát triển thể chất, tinh thần. Một lý do hoàn hảo để mở rộng tiêm chủng cho trẻ chính là tiêm chủng là biện pháp giúp các em không bị cách ly và không được tới trường.

Tiêm vaccine là biện pháp bảo vệ trẻ em trước virus SARS-CoV-2. Đa số trẻ nếu nhiễm bệnh đều ở thể nhẹ, nhưng còn đó nguy cơ lây nhiễm sang cách thành viên trong gia đình, đối tượng tiếp xúc gần. Như các phương thức điều trị, phòng ngừa dịch bệnh khác, không có vaccine nào đạt hiệu quả tuyệt đối. Một số trẻ vẫn có thể nhiễm COVID-19 sau tiêm, nhưng tình trạng bệnh sẽ nhẹ hơn nhiều.

Theo ông Wilson Lam, chuyên gia dịch tễ học tại Bệnh viện Gleneagles (Hong Kong), hiệu lực bảo vệ của vaccine ở trẻ nhỏ ngang bằng, thậm chí vượt trội so với người trưởng thành. Đó là bởi trẻ em có hệ miễn dịch mạnh hơn và vì thế phản ứng với vaccine cũng tốt hơn. Đây là điều đã được chứng minh qua dữ liệu cụ thể.

Liều tiêm và loại vaccine

Hiện có hàng chục nước đã phê duyệt cấp phép và triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Cuba… cùng nhiều nước ở châu Âu. Loại vaccine được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là vaccine Pfizer/BioNtech. Trẻ sẽ được tiêm hai liều, với liều thứ hai cách liều thứ nhất khoảng 8 tuần. Ngoài ra, trẻ từ 5-11 tuổi nếu hệ miễn dịch suy yếu cũng có thể tiêm mũi tăng cường 8 tuần sau khi hoàn tất mũi hai.

Khác với các loại thuốc điều trị, liều lượng vaccine COVID-19 không tính trên cân nặng, mà tính theo đội tuổi. Trẻ từ 5-11 sẽ được tiêm vaccine Pfizer liều 10 microgram, bằng 1/3 so với liều của người lớn và trẻ vị thành niên (30 microgram với người từ 12 tuổi trở lên).

Thử nghiệm lâm sàng cho thấy liều 10 microgram ở trẻ tạo phản ứng miễn dịch tương đương liều 30 microgram. Kết quả thử nghiệm cho thấy hiệu lực bảo vệ của vaccine Pfizer sau hai liều 10 microgram ở trẻ từ 5-11 tuổi là 91%.

Phản ứng phụ thể nhẹ là tín hiệu bình thường, cho thấy hệ miễn dịch cơ thể đang tạo ra lớp bảo vệ. Phản ứng này ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn. Một số trẻ không có phản ứng phụ, số khác có thể xuất hiện cảm giác đau ở chỗ tiêm, người hơi mệt, đau đầu, nhưng về cơ bản sẽ hết sau từ một đến ba ngày.

Đọc thêm