Vừa qua, 3 nhà mạng là Vinaphone, Mobifone và Viettel đồng loạt tăng cước 3G lên 40%, thậm chí 300% đối với một số gói dịch vụ. Động thái này đã gây ra nhiều bức xúc cho người tiêu dùng và truyền thông không chỉ do việc áp đặt tăng giá mà còn vì chất lượng dịch vụ hiện quá kém. Dư luận cũng cho rằng việc các doanh nghiệp này đồng loạt tăng giá trong cùng 1 thời điểm với 1 mức giá như nhau là có dấu hiệu của việc bắt tay độc quyền nhóm và vi phạm Luật Cạnh tranh.
Theo ông Nam, việc các doanh nghiệp này tăng cước 3G khiến dư luận đặt ra 3 vấn đề. Thứ nhất, vi phạm luật cạnh tranh ra sao và cùng tăng giá có phải là cấu kết với nhau không? Thứ hai, việc khối các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường (tổng thị phần của ba doanh nghiệp hiện đang nắm giữ là 97,3%) cùng điều chỉnh cước 40%, thậm chí 300% có phải là hành vi lạm dụng thống lĩnh để tăng giá? Thứ ba, theo diễn giải của phía các doanh nghiệp tăng giá để tiến tới bằng giá thành đặt ra câu hỏi có phải các doanh nghiệp này trước kia đã bán dưới giá thành để cạnh tranh không lành mạnh hay không?
Đai diện này cũng khẳng định, Cục Quản lý cạnh tranh đã yêu cầu 3 doanh nghiệp cung cấp thông tin và phối hợp với Cục Viễn thông để điều tra vụ việc. Sau khi điều tra xong, Cục sẽ có báo cáo đầy đủ trên tinh thần công khai, minh bạch.
Trước đó, trong buổi họp giao ban quản lý nhà nước với các hãng viễn thông có hạ tầng sáng 1/11 tại Cục Viễn thông, Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Bộ Thông tin & Truyền thông khẳng định có đầy đủ sở cứ của đợt điều chỉnh giá cước 3G vừa qua .
Theo thống kê của Phòng quản lý giá cước của Cục Viễn thông, đợt tăng giá cước 3G đối với gói dịch vụ không giới hạn (Unlimited) vừa qua chỉ có tác động đến 8,9% thuê bao trong tổng số 91 triệu thuê bao di động phát sinh cước trong tháng 9.
Lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông cũng cho rằng phản ứng từ người dùng và dư luận trong thời gian qua, là do lỗi của vấn đề truyền thông từ Bộ và từ các doanh nghiệp chưa được đầy đủ, dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc.