Điều trị bệnh lao bị “tắc” do luật chưa đủ mạnh

 

Theo kế hoạch về phòng chống bệnh lao ỏ nước ta, đến năm 2015 sẽ giảm đến 50% bệnh nhân so với thời điểm 2011, và đến 2030 sẽ căn bản giải quyết hết bệnh lao trong nước. Tuy nhiên…
 

Theo kế hoạch về phòng chống bệnh lao ỏ nước ta, đến năm 2015 sẽ giảm đến 50% bệnh nhân so với thời điểm 2011, và đến 2030 sẽ căn bản giải quyết hết bệnh lao trong nước. Tuy nhiên…

Thực trạng về điều trị lao hiện nay tại các nơi còn quá nhiều vướng mắc, khó khăn và một trong những cái vướng quan trọng  chưa gỡ được, đó là  sự quản lý chưa chặt về mặt pháp luật, và thiếu hành lang pháp lý.

Theo báo cáo mới nhất về bệnh lao được trình bày tại Hội thảo Trao đổi thông tin về bệnh lao giữa Chương trình chống lao quốc gia và các cơ quan truyền thông khu vực miền Nam do Bệnh viện Phổi trung ương, Bộ Y tế và WHO tổ chức ngày 22/11, việc điều trị lao hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó tập trung ở các điểm: Nhân lực, kinh phí và hành lang pháp lý.

Về nhân lực, thiếu hụt nhân lực ở tất cả các tuyến điều trị, đặc biệt là tuyến huyện, cùng với sự “già hóa” đội ngũ cán bộ điều trị là vấn đề rất bức bách trong điều trị lao. Tỷ lệ cán bộ điều trị lao là 12/100 ngàn dân, tỉ lệ bác sĩ điều trị là 1,58/ 100 ngàn dân. Về kinh phí, theo tính toán từ phía Bệnh viện Phổi trung ương, tổng kinh phí thiếu hụt cho điều trị lao giai đoạn 2011-2015 xấp xỉ 260 triệu USD. Ngoài ra, việc điều trị lao tại các tuyền vùng sâu vùng xa, các trại giam cực kì khó khăn do thiếu phương tiện và nhiệu yếu tố khác.

Một trong những điểm “nghẽn” quan trọng nhất cần tháo gỡ, đó là “nghẽn” về pháp luật. 

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Ngọc Sỹ Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, thì chính sách pháp luật chưa đủ mạnh, thiếu cập nhật về điều trị bệnh lao trong quy định pháp luật là một nguyên nhân gây khó cho việc triển khai điều trị lao. 

Một thực trạng trong điều trị lao, đó là việc quản lý người điều trị tự phát, các cơ sở tư nhân và thuốc trôi nổi trên thị trường. 

Ông Sỹ cho biết, thói quen của người dân Việt Nam là tự chữa bệnh mà không cần thầy thuốc Người dân thường tự mua các loại thuốc trị lao trôi nổi trên thị trường mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc đến các cơ sở tư nhân tự phát để điều trị, nhiều trường hợp đã gây ra những hậu quả, biến chứng nặng nề. Tuy nhiên, pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể nhằm quản lý chặt và “siết” các trường hợp trên. 

Ở một phương diện khác cũng theo ông Sỹ, việc báo cáo ca bệnh theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 hầu như không triển khai hiệu quả vì Luật chưa được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó là việc thiếu cập nhật về mức bồi dưỡng đặc thù cho cán bộ làm sông tác điều trị lao. Thông tư 147 hết hiệu lực (3/12/2010) nhưng chưa được ban hành mới cũng khiến khó khăn thêm cho việc triển khai điều trị lao.

Một khi những “điểm nghẽn” về luật chưa được thông suốt, thì việc phấn đấu đạt theo kế hoạch đề ra trong những giai đoạn sáp tới chưa thể khẳng định được.

Ngọc Mai

Đọc thêm