Điều trị cho người mắc COVID-19 bằng huyết tương người khỏi bệnh

(PLVN) - Các kết quả sơ bộ cho thấy tính hiệu quả của việc sử dụng huyết tương người khỏi bệnh trong việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Theo Tân Hoa xã, Giám đốc Bệnh viện Kim Ngân Đàm tại thành phố Vũ Hán, ông Trương Định Vũ ngày 13/2 kêu gọi các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh hãy hiến huyết tương cho các bệnh viện vì trong huyết tương này có những kháng thể chống lại chủng mới của virus Corona. Các kết quả sơ bộ cho thấy tính hiệu quả của việc sử dụng huyết tương người khỏi bệnh trong việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19. Bệnh viện Kim Ngân Đàm là một trong những nơi được chỉ định để tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại thành phố "tâm dịch" Vũ Hán.

Giới chuyên gia cho biết, hầu hết bệnh nhân sau khi khỏi bệnh sẽ sinh ra các kháng thể đặc hiệu chống lại nCoV, có thể tiêu diệt và loại bỏ virus. Trong điều kiện chưa tìm ra vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, việc sử dụng huyết tương của những người đã khỏi bệnh có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Theo các số liệu chính thức, tại Trung Quốc, tổng cộng 5.911 bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã hoàn toàn khỏi bệnh và được ra viện tính đến hết ngày 13/2. Riêng trong ngày 13/2, có 1.171 bệnh nhân được xuất viện.

Giải mã thành công chuỗi gene của COVID-19

Tân Hoa xã ngày 13/2 đưa tin một nhóm nghiên cứu từ Trường Y Thượng Hải thuộc Đại học Phúc Đán, phối hợp với Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Thượng Hải đã thành công trong việc phân lập và giải mã chuỗi gene của  COVID-19 từ mẫu phẩm của bệnh nhân.

Đây là lần đầu tiên COVID-19 được phân lập thành công ở Thượng Hải.

Việc này sẽ giúp theo dõi đột biến gene của virus trong thời gian thực cũng như tìm ra thuốc điều trị và thúc đẩy tiến bộ trong nghiên cứu về COVID-19.

Cùng ngày, 2 nhóm nghiên cứu riêng rẽ, do các nhà khoa học Trung Quốc đứng đầu, thông báo đã phân lập thành công chủng virus corona mới từ các mẫu phân của bệnh nhân nhiễm bệnh.

Các kết quả trên đã khẳng định các giả thuyết trước đó nói rằng trong phân của bệnh nhân COVID-19 có virus sống.

COVID-19 có thể không lây nhiễm trong thai kỳ

Một nghiên cứu sơ bộ công bố hôm 12/2 trên tạp chí The Lancet chỉ ra COVID-19 có thể không lây nhiễm trong thai kỳ. Tuy nhiên, nghiên cứu được tiến hành trên diện nhỏ và chỉ bao gồm những phụ nữ mang thai ở 3 tháng cuối và sinh phổ. Nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Chung Nam (Đại học Vũ Hán) nhấn mạnh cần nghiên cứu sâu hơn để xác nhận kết quả và xem xét với các nhóm phụ nữ mang thai khác.

Nghiên cứu xuất phát từ tin tức một bé sơ sinh ở Trung Quốc dương tính với COVID-19 sau khi sinh 36 giờ. Nhưng trong trường hợp đó, các chuyên gia chưa rõ việc lây nhiễm có thực sự xảy ra trong thời kỳ mang thai hay không. Chẳng hạn, em bé có thể nhiễm virus sau sinh do tiếp xúc gần.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học phân tích thông tin từ 9 phụ nữ nhiễm COVID-19 ở tuần thứ 36-39 của thai kỳ và nhập viện ở Vũ Hán, thành phố khởi phát dịch bệnh. Khi họ sinh con bằng phương pháp đẻ mổ, bác sĩ lấy mẫu nước ối, máu dây rốn, sữa mẹ, cùng với mẫu bệnh phẩm từ họng trẻ sơ sinh. Tất cả mẫu vật được lấy tại phòng sinh để phản ánh sát nhất các điều kiện trong phôi thai.

Không ai trong số những người mẹ bộc lộ triệu chứng viêm phổi nặng do nhiễm COVID-19 và tất cả em bé đều sống sót. Đặc biệt, không mẫu xét nghiệm nào từ nước ối, máu cuống rốn, sữa mẹ hoặc dịch ngoáy họng dương tính với virus. "Phát hiện từ nhóm nhỏ bệnh nhân này chỉ ra hiện nay chưa có bằng chứng về lây nhiễm trong tử cung ở phụ nữ mắc COVID-19 vào cuối thai kỳ", các tác giả nghiên cứu kết luận.