Định hướng xây dựng khu công nghệ cao tỉnh Bình Thuận

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Ngày 17/11, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Thuận tổ chức hội thảo “Định hướng xây dựng khu công nghệ cao tỉnh Bình Thuận”.

Hội thảo tổ chức nhằm cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để làm rõ các điều kiện cần và đủ phục vụ cho định hướng hình thành, phát triển các lĩnh vực hoạt động của Khu công nghệ cao (CNC) dự kiến hình thành trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Thanh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận có nhiều thuận lợi cho việc xây dựng và triển khai Đề án Khu CNC. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng và lợi thế thì việc thành lập, xây dựng và phát triển Khu CNC đòi hỏi phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về CNC, quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng. Hội thảo nhằm lấy ý kiến của Vụ CNC, Bộ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia, tư vấn, các sở, ban ngành, địa phương để xây dựng hoàn chỉnh Đề án Khu CNC, hướng đến xây dựng một Khu CNC trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của sở, ngành, địa phương nêu quan điểm, việc xây dựng Khu CNC tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới là việc hết sức cần thiết, là tiền đề góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy vậy, phải làm rõ điểm xuất phát của tỉnh, chú ý tới các điều kiện kinh tế - xã hội, tiềm năng, lợi thế, bất lợi và thách thức trong việc xây dựng Khu CNC.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận thông tin:, Bình Thuận hiện có 9 khu công nghiệp được Chính phủ đồng ý chủ trương quy hoạch phát triển với tổng diện tích hơn 3.000 ha. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.617 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 460 nghìn tỷ đồng, trong đó có 120 dự án FDI còn hiệu lực, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ, sở, ban, ngành, địa phương và các nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ, sở, ban, ngành, địa phương và các nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

“Bình Thuận hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển một nền kinh tế tổng hợp gồm nông nghiệp CNC, công nghiệp năng lượng, du lịch. Do đó, việc thành lập Khu CNC Bình Thuận là rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận”, ông Nguyễn Minh nhấn mạnh.

Ông Võ Đức Tuấn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phát triển Khu CNC là một định hướng đúng đắn, thể hiện khát vọng của tỉnh trong việc lựa chọn, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới để Bình Thuận có thể phát triển bền vững, đảm bảo việc phát triển của tỉnh phù hợp với xu thế của nền cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, đây là một hướng đi mới, cần phải được đánh giá sâu kỹ, tham khảo kinh nghiệm triển khai của nhiều địa phương cũng như ý kiến của các chuyên gia.

Ông Nguyễn Lê Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ CNC, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, điều kiện cần thiết để thành lập khu CNC gồm nhiều yếu tố như, phù hợp quy hoạch, khả thi về sử dụng đất, phù hợp về chính sách, chủ trương về phát triển CNC, đáp ứng các điều kiện để triển khai các nhiệm vụ tại khoản 2 Điều 31 Luật CNC, hạ tầng đảm bảo phục vụ ứng dụng CNC, khả năng liên kết với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo có trình độ cao, thuận lợi hạ tầng, giao thông.

Bình Thuận nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ, có thể coi là cửa ngõ phía Nam của tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ kết nối các vùng, tỉnh phía Nam với khoảng cách không quá xa đến trung tâm phát triển lớn nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là những cơ sở quan trọng để tỉnh có thể thu hút phát triển các ngành, lĩnh vực CNC trong thời gian tới.

Đọc thêm