Định mức người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập trợ giúp xã hội

(PLVN) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 09/2024/TT-BLĐTBXH hướng dẫn định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, Thông tư 09/2024/TT-BLĐTBXH áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội được cấp có thẩm quyền thành lập theo quy định của pháp luật và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Thông tư 09/2024/TT-BLĐTBXH quy định rõ, nguyên tắc xác định số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội được xác định trên cơ sở nguyên tắc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 và điểm d khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Nghị định 120/2020/NĐ-CP.

Về căn cứ xác định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 3 và khoản 2 Điều 4 Nghị định 106/2020/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, căn cứ vào mức độ phức tạp của công việc và số lượng người làm việc cần bố trí theo từng vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Thông tư 09/2024/TT-BLĐTBXH có quy định, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em; dịch vụ xã hội trong cơ sở bảo trợ xã hội công lập, căn cứ đặc điểm đối tượng, quy mô và số lượng đối tượng, định mức số lượng người làm việc chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong đơn vị được quy định như sau: 1 công tác xã hội viên chính quản lý trường hợp 30 đối tượng; 1 công tác xã hội viên quản lý trường hợp 25 đối tượng; 1 nhân viên công tác xã hội quản lý trường hợp 20 đối tượng.

Về số lượng nhân viên chăm sóc trực tiếp đối tượng tại cơ sở, Thông tư 09/2024/TT-BLĐTBXH quy định như sau: 1 nhân viên chăm sóc phụ trách 1 trẻ em dưới 18 tháng tuổi, tối đa 6 trẻ em bình thường từ 18 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi hoặc tối đa 10 trẻ em bình thường từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi; chăm sóc tối đa 4 trẻ em khuyết tật hoặc tâm thần hoặc nhiễm HIV/AIDS từ 18 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi; chăm sóc tối đa 5 trẻ em khuyết tật hoặc tâm thần hoặc nhiễm HIV/AIDS từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi.

1 nhân viên chăm sóc phụ trách tối đa 10 người khuyết tật còn tự phục vụ được hoặc tối đa 4 người khuyết tật không tự phục vụ được. 1 nhân viên chăm sóc phụ trách tối đa 10 người cao tuổi còn tự phục vụ được hoặc tối đa 4 người cao tuổi không tự phục vụ được.

1 nhân viên chăm sóc phụ trách tối đa 2 người tâm thần đặc biệt nặng, tối đa 4 người tâm thần nặng hoặc tối đa 10 người tâm thần đã phục hồi, ổn định. 1 nhân viên chăm sóc phụ trách tối đa 12 người lang thang (định mức này sử dụng cho các đợt tiếp nhận người lang thang vào cơ sở để đánh giá, đưa về địa phương).

Bên cạnh đó, mỗi cơ sở có ít nhất 1 nhân viên tâm lý; 1 nhân viên y tế phụ trách việc chăm sóc sức khỏe cho tối đa 50 đối tượng; 1 nhân viên phụ trách dinh dưỡng phục vụ tối đa 20 đối tượng; 1 nhân viên hướng dẫn phục hồi chức năng cho tối đa 5 đối tượng; về giáo viên dạy văn hóa, dạy nghề 1 giáo viên phụ trách tối đa cho 9 đối tượng.

Về vị trí việc làm chuyên môn dùng chung và hỗ trợ phục vụ tối đa không quá 20% tổng số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao.

Ngoài ra, Thông tư 09/2024/TT-BLĐTBXH quy định, đối với đơn vị có chức năng, nhiệm vụ có yêu cầu về vị trí việc làm thuộc chuyên môn về y tế và yêu cầu chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực khác thì đơn vị căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế, của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để xác định số lượng người làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thông tư 09/2024/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/10/2024.

Đọc thêm