Đỗ đại học, rồi sao?

(PLO) - Sau 12 năm đèn sách, đích đến của phụ huynh và học sinh luôn là vào đại học bằng mọi giá. Nhưng đậu rồi mà nhiều em không biết mình ra trường sẽ làm công việc cụ thể ra sao; một số khác thì đỗ ngành mình không thực sự yêu thích... Liệu có quá muộn để bắt đầu lại?. Talkshow về chủ đề “Đỗ đại học, rồi sao?” diễn ra mới đây đã nhận được rất nhiều những ý kiến và quan điểm khác nhau về chủ đề này. 
Nếu đã chọn công việc nào, hãy yêu hết mình
Nếu đã chọn công việc nào, hãy yêu hết mình

Không học ngành y vì phụ huynh lo ế chồng

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, trong xu hướng toàn cầu hóa, đặc biệt là tác động của Cách mạng 4.0, xã hội đang có sự dịch chuyển cơ cấu ngành nghề. Các bạn học sinh phổ thông là đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất của sự dịch chuyển này.

“Tôi đã từng hỏi 452 học sinh lớp 10 của mình câu hỏi sau này các em sẽ làm nghề gì nhưng chỉ có 2 bạn phân tích rõ ràng vì sao mình chọn nghề này cho mình trong tương lai. 450 bạn khác không biết mình sẽ làm nghề gì nhưng các bạn biết rất rõ mình sẽ học vào trường đại học nào nhưng không biết mình có khả năng học tập hay không, học như thế nào, có đúng nghề mình cần học không”, bà Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ.

Bà Nhiếp cho rằng đang xảy ra hiện tượng chệch hướng trong việc chọn trường chọn nghề ở bậc phổ thông. Các bạn học sinh cần được định hướng nghề nghiệp trước rồi mới chọn trường phù hợp sau.

Bởi thế, nhiều tân sinh viên đã đưa ra những băn khoăn trước ngưỡng cửa đại học khi không đi đúng con đường mình mong muốn. Quỳnh, hiện là tân sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh chia sẻ, thi khối B đỗ Y đa khoa và khối D đỗ Ngành ngôn ngữ Anh. Quỳnh thích học y đa khoa để trở thành bác sĩ, nhưng do bố mẹ ngăn cản vì sợ “ế” do thời gian học dài nên đã khuyên bạn chọn ngành còn lại. 

Tương tự, Nguyễn Thu Hiền, tân sinh viên Khoa Thương mại quốc tế Trường Đại học Ngoại thương thì lại chỉ muốn trở thành MC. Em thi Ngoại thương cũng vì trường có câu lạc bộ MC chứ lại không vì thích học kinh tế. Đó là 2 trong số nhiều những chia sẻ về việc lựa chọn ngành và trường không phải do bản thân các em thực sự muốn lựa chọn. Và học ngành, chọn trường vì phụ huynh vẫn còn khá phổ biến hiện nay.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, em Chu Xuân Huy, tân sinh viên K63 Viện Vật lí kĩ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, chỉ cần mình bác bỏ thành kiến việc thích hay không thích, mà cần cố gắng tìm hiểu ngành đó, mình có thể sẽ thấy thích. Như bản thân Huy, em đăng ký nguyện vọng 1 vào Khoa Cơ điện tử nhưng chỉ đỗ nguyện vọng 2, Huy chia sẻ: “Ban đầu mình rất tiếc nuối nhưng sau khi vào trường, được thầy cô hướng dẫn và hiểu hơn về ngành Vật lí kĩ thuật thì mình lại thấy trượt nguyện vọng 1 cũng là một niềm vui, một cơ hội với mình”.

Thành công không phải tự nhiên mà có

Theo diễn giả Hoàng Phương Nga, sinh năm 1994, người sáng lập và điều hành Học viện Công nghệ Kiddicode cho biết, hơn 50% các bạn tân sinh viên có mặt tại chương trình khảo sát đều cảm thấy không rõ ràng về con đường sắp tới và chỉ có 30% là hài lòng về quyết định chọn ngành và chọn trường của mình, 20% còn lại là chán ghét.

Nhưng bà Hoàng Phương Nga cho rằng, điều đó rất bình thường: “Mọi thứ đều có lí do của nó và nó sẽ kết nối bạn với những cơ hội trong tương lại mà bạn không ngờ tới, vấn đề là bạn phải có sự chuẩn bị. Tôi đã từng thích học tiếng Nhật và học miệt mài, lúc đó chỉ vì thích và muốn học ở Nhật, nhưng đến nay, tiếng Nhật đã mang lại cơ hội hợp tác lớn với một ngôi trường dạy công nghệ ở bên Nhật”. 

Cùng quan điểm, cô gái trẻ Vũ Quỳnh Trang, sinh năm 1997, sinh viên năm thứ tư Học viện Ngoại Giao và hiện là CEO của VIC VIETNAM Summer Camp chia sẻ: “Thành công là do may mắn nhưng may mắn không phải tự nhiên mà có”. Theo đó, cô bạn CEO trẻ đã đưa ra 3 thứ mà các bạn tân sinh viên cần chuẩn bị cho những cơ hội của mình, đó là: Luôn tạo ra những kết nối giữa mình và những người xung quanh; Bạn phải thử nghiệm hết mọi khả năng để biết bạn có thể đi đến đâu; Cuối cùng là áp dụng công thức 3L: “Liều - Lì - Lầy”.

Đồng thời, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên môn Hóa tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn tân sinh viên rằng: “Hiện nay, có rất nhiều bạn băn khoăn về việc chọn sai ngành khi vào đại học. Tuy nhiên, các em đừng vội thất vọng quá sớm, hãy thử trải nghiệm ngành nghề đã chọn, biết đâu, trải nghiệm rồi mới nhận ra đây chính là ngành nghề có nhiều điểm giúp mình phát triển khả năng”.

Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng, các bạn nên dũng cảm thử chọn lại con đường của mình. Thầy Đặng Ngọc Khương - Phó Hiệu trưởng Trường Ác-si-mét, cho biết, thầy từng có thời gian làm báo và không thấy phù hợp với khả năng của mình.

Thầy quyết định lựa chọn lại con đường và trở thành thầy giáo dạy Ngữ Văn như hiện nay. “Dạy văn, được gặp gỡ đồng nghiêp, được học trò yêu mến, thầy cảm thấy cuộc sống mình có ý nghĩa hơn rất nhiều. Vì thế, nếu các em đã lỡ chọn sai ngành, đừng lo lắng hãy thử chọn lại lần nữa, ai cũng sẽ tìm được công việc ý nghĩa nhất cho chính mình”, thầy Khương chia sẻ.

Đọc thêm