"Đổ tiền tỷ" vẫn khó cứu cá tra?

Nuôi cá tra xuất khẩu từng là ngôi vương của ngành thủy sản Việt Nam nhưng hiện nay rất nhiều ao nuôi bị “treo”, doanh nghiệp phá sản. Để cứu con cá tra trước cơn suy thoái trầm trọng, Chính phủ đã đồng ý chủ trương mua tạm trữ, tuy nhiên giải pháp này chỉ mới có tác dụng làm dịu sức nóng trên thị trường, chưa đủ lực để vãn hồi tình hình.

Nuôi cá tra xuất khẩu từng là ngôi vương của ngành thủy sản Việt Nam nhưng hiện nay rất nhiều ao nuôi bị “treo”, doanh nghiệp phá sản. Để cứu con cá tra trước cơn suy thoái trầm trọng, Chính phủ đã đồng ý chủ trương mua tạm trữ, tuy nhiên giải pháp này chỉ mới có tác dụng làm dịu sức nóng trên thị trường, chưa đủ lực để vãn hồi tình hình.

“Cái ao ước của người nuôi cá giờ đây chỉ là mong được mùa trả xong nợ   rồi lên bờ kiếm nghề khác thôi”. Trong ảnh: Chế biến cá tra
Ao ước của người nuôi cá tra hiện chỉ là được mùa trả xong nợ rồi lên bờ kiếm nghề khác. Ảnh: Chế biến cá tra

Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nghịch lý lớn trong ngành nuôi, chế biến cá tra là mặc dù chúng ta độc quyền về cá tra nhưng nghề vẫn loay hoay trong thua lỗ suốt một thời gian dài. Nguyên nhân chính là do sự canh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp, tự hạ giá làm mất giá con cá tra, dẫn đến thất thu cho cả ngành.

Theo Bộ Công thương, trong 7 tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản 3,4 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Thời gian gần đây, có lúc giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh, chỉ còn 18.000 - 19.000 đồng/kg. Để tháo gỡ khó khăn cho người nuôi cá, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng dành cho ngành cá tra (gồm doanh nghiệp và người nuôi cá) đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua và sẽ có 9.000 tỉ đồng được giải ngân giúp doanh nghiệp nuôi cá, chế biến và xuất khẩu.

Vào thời điểm cuối tháng 8, tại miền Tây Nam bộ, giá cá tra hiện đang nhích lên, dao động từ 22.000- 23.000 đồng/kg, tăng từ 3.000- 4.000 đồng/kg so với tháng trước. Mặc dù giá cá đã tăng nhưng người nuôi cá tra vẫn còn lỗ khoảng 2.000- 3.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Tây Nam Bộ, do “càng nuôi càng lỗ vốn”, hiện đã có gần gần 5.000 ha đang dần chuyển hướng nuôi các loại cá khác để giảm bớt thiệt hại hoặc rao bán ao nuôi. Dọc theo con sông Hậu thuộc huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp nhờ nuôi cá tra trúng mùa giá đất nhiều nơi hơn 2 tỷ đồng/ha, nay giá đất giảm phân nửa bán vẫn không có người mua.

Tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, con cá tra đã nâng tầm không ít nông dân trở thành tỷ phú, nay nghề nuôi cá tra đã suy tàn, trong đó tỷ lệ người nuôi chỉ còn 20% so với hồi hưng thịnh. Ông Bảy Nam, một người nuôi cá có tiếng ở vùng cho biết, nghe thông tin nhà nước bỏ tiền mua cá tạm trữ, thoạt nghe thì rất mừng nhưng vùng này không còn cá để trữ.

“Những người còn bám ao chắc cũng không mấy vui vì tiền bán cá không đủ trả lãi vay ngân hàng, cái ao ước của họ chỉ mong được mùa trả xong nợ rồi lên bờ kiếm nghề khác thôi”- ông Nam phân bua.

Giá cá tra hiện là 22.000- 23.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 2.000- 3.000 đồng/kg. Trong khi giá xuất khẩu cá tra phi-lê sang châu Âu chỉ có 2,6 USD/kg; Hoa Kỳ 3- 3,1 USD/kg; châu Á từ 2,5- 2,6 USD/kg. Với giá xuất này, nếu cân đối nguyên liệu đầu vào như điện, xăng dầu, vật tư thì doanh nghiệp xuất khẩu vẫn lỗ.

Đại diện Công ty cổ Phần Thủy sản Gò Đàng, tỉnh Tiền Giang cho biết, sản lượng cá tra tồn đọng trong dân không còn nhiều, do đó không nhất thiết phải mua tạm trữ. Để cứu con cá tra, nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ vốn để người nuôi cá, doanh nghiệp được tiếp cận vốn với lãi suất thấp nhằm phục hồi các ao nuôi, doanh nghiệp có nguồn cá nguyên liệu để sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu vào cuối năm.

Đại diện Công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang đề xuất, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, yếu tố tôn trọng người nuôi là rất quan trọng. Khi có sự chênh lệch về giá cả thì việc giải quyết hài hoà giữa người nuôi và doanh nghiệp sẽ tạo mối liên kết lâu dài.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, tỉnh Đồng Tháp, cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh cá tra cần hợp tác với nhau để tổ chức lại nuôi trồng, chế biến và hình thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có giá sàn, chất lượng sàn không thể thả nổi nghề như hiện nay được.

Ngoài sự trợ giúp về vốn, điều tiết thị trường của nhà nước, đại diện Công ty cổ phần thương mại thuỷ sản Á Châu mong muốn, nghề nuôi- chế biến-xuất khẩu cá tra ở miền Tây Nam bộ cần phải có sự chung tay giải quyết mâu thuẫn của “bốn nhà”, gồm doanh nghiệp, người nuôi cá - nhà khoa học và chính quyền.

Sự hợp lực của “bốn nhà” sẽ giải quyết được bài toán bất ổn về nguyên liệu, giá xuất khẩu bấp bênh, đứt mạch nguồn vốn sản xuất, triệt tiêu cảnh chợ chiều tranh mua tranh bán. Và quan trọng hơn là kiểm soát được thị trường, định hướng cho tương lai của con cá tra trên thương trường.

Mị Na

Đọc thêm