Dấu hiệu nhận biết cây có nguy cơ gãy đổ
Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm cắt, sửa, chặt hạ cây xanh trên địa bàn 12 quận của TP Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội, việc nhận biết cây xanh có nguy cơ gãy, đổ có thể quan sát bằng mắt thường như cây nghiêng trên 45 độ, vết mục trên thân cây bán kính từ 20-30cm lan ra.
Tuy nhiên, cũng không ít cây nhìn bên ngoài xanh tốt, khi gặp trận mưa to bị bật gốc hoặc gãy đổ mới phát hiện bị mục bên trong. Đây cũng là khó khăn của công tác quản lý cây xanh.
“Nhiều máy móc hiện đại cũng chỉ kiểm tra được bên dưới, còn trên cành cao mục bên trong thì rất khó đánh giá. Hơn nữa, cây là thực thể sống, biến đổi hàng ngày, nó chịu tác động của thổ nhưỡng, quá trình thi công xây dựng, khí hậu... nên khó có thể kiểm soát độ an toàn như đánh giá một khối bê tông”, ông Mạnh cho biết.
Công ty cũng nhận đơn thư, phản ảnh của người dân, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố về tình trạng cây xanh. Qua đó, công ty thường xuyên rà soát, cắt tỉa, thay thế cây để đảm bảo an toàn.
Cắt sửa 20.000 cây bóng mát trước mùa mưa bão
Công ty thường có kế hoạch cắt tỉa cây từ Qúy 4 năm trước để chuẩn bị mùa mưa bão năm sau. Tính đến tháng 6/2020, công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội đã cắt sửa hơn 20.000 cây bóng mát.
Song song với việc cắt tỉa, công tác quản lý cây xanh trên địa bàn được thực hiện với 3 nội dung. Thứ nhất là tuần tra, khảo sát, phát hiện cây nghiêng, bị sâu mục, cây có biểu hiện bật gốc, cây chết…Thứ 2 là cắt tỉa cây thường xuyên theo từng tuyến phố, từng loại cây theo quy trình. Ngoài ra, còn tiếp nhận thường xuyên các đơn phản ánh của các cơ quan, tổ chức cá nhân về tình trạng cây, chất lượng cây.
Theo ông Mạnh, những năm trở lại đây, việc xử lý đơn thư, phản ảnh của người dân được chú trọng, không để trường hợp nào tồn tại, chậm xử lý, những cây nguy hiểm thì phối hợp với chính quyền các phường, các cấp ngành nếu phát hiện cây nguy hiểm. Điều này nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn do cây gãy đổ. Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã chỉ đạo công ty cắt sửa những cây lâu năm, cây dễ gãy đổ như xà cừ, muỗng...
Giải pháp để tránh việc cây gãy, đổ trong mùa mưa theo ông Mạnh là kiểm tra chất lượng cây thường xuyên và cắt sửa thường xuyên cành những cành bị sâu, mục. Việc cắt tỉa cây sẽ làm thoáng hệ thống tán cây; cây không nặng gánh về tán sẽ giảm áp lực lên bộ rễ nên đảm bảo an toàn cũng như sự sinh trưởng của cây.
Sẵn sàng phối hợp với các đơn vị, trường học
Ngoài cây xanh trên đường, Hà Nội còn rất nhiều cây ngõ ngách, khu tập thể, khuôn viên trường học. Theo quy định, cây trong khuôn viên tổ chức, cá nhân nào thì tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm quản lý.
Đối với cây xanh trong trường học, không ít trường học số lượng cây cổ thụ, cây phượng được trồng phổ biến. Đánh giá về cây phượng, nhiều chuyên gia cây phượng có tuổi thọ chỉ khoảng 30 năm là già cỗi, có dấu hiệu sâu bệnh, thân bắt đầu mục rỗng. Nếu có điều kiện thuận lợi, cây chỉ có tuổi thọ kéo dài không quá 50 năm.
Vậy có nên thay thế cây phượng hoặc cây cổ thụ trong các trường học? Theo ông Mạnh, điều này khó bởi với nhiều người cây xanh vừa là một bộ phận hạ tầng đô thị vừa là một bộ phận hạ tầng văn hóa xã hội, giá trị tâm linh, cảnh quan.
Về quy trình thay thế cây xanh, theo ông Mạnh phải tuân thủ quy trình chặt chẽ. Sau khi kiểm tra, cây bị mục ruỗng, công ty báo cáo lên Sở Xây dựng. Sau đó, Sở xây dựng báo cáo UBND TP. Đến khi UBND TP có ý kiến việc thay thế cây xanh mới được thực hiện.
Mấy ngày qua, việc cây phượng bật gốc trong sân trường ở TP HCM, Đăk Lăk khiến nhiều người lo lắng. "Theo quy định, cây xanh trong trường do nhà trường quản lý. Tuy nhiên, công ty sẵn sàng phối hợp, tư vấn với các tổ chức, đơn vị, cá nhân về việc tư vấn, cắt sửa cây để tránh những tai nạn đáng tiếc do cây gãy đổ", ông Mạnh cho biết.
Cũng theo vị Phó Tổng Giám đốc, các trường tùy vào điều kiện cụ thể nên có kế hoạch cắt sửa thường xuyên và phối hợp với các cơ quan chuyên môn để chăm sóc, cắt sửa cây trong nhà trường.