Còn cách xa mức trung bình của khu vực và thế giới
Nỗ lực trong nhiều năm qua được thể hiện ở chỗ Việt Nam đang dần bắt kịp với mức độ cải cách trung bình của nhóm các quốc gia có cùng thu nhập trung bình như nước ta. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2018 ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ hạng 69/100 về môi trường kinh doanh, hạng 77/140 về năng lực cạnh tranh).
Bên cạnh một số chỉ số có mức cải thiện thứ hạng nhanh, vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện thứ hạng còn chậm. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chưa được xếp vào nhóm 4 nước dẫn đầu (Việt Nam đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh, thứ 7 về năng lực cạnh tranh).
Riêng chỉ số B1, Báo cáo kinh tế toàn cầu năm 2018 của WEF đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 96/140 nước (điểm số đạt 3,1/7). Tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong 10 năm gần đây về điểm số B1 của Việt Nam chỉ đạt 2,43%. Với thứ hạng này, Việt Nam có một khoảng cách khá xa so với mức trung bình chung của khu vực và mức trung bình chung của thế giới.
Thống kê cũng chỉ ra quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình như Việt Nam nhưng lại có mức độ cải cách B1 tốt nhất trên thế giới là Tajikistan. Nếu xét từ năm 2007, Tajikistan có xuất phát điểm về chi phí tuân thủ kém hơn Việt Nam thì đến năm 2017, quốc gia này đã tốt hơn hẳn Việt Nam và mức trung bình chung của thế giới.
Kể từ khi bắt đầu cải cách năm 2008 cho đến năm 2018, hàng năm Tajikistan đều được quốc tế ghi nhận về những cải cách đáng kể cho cộng đồng DN nhằm cải thiện chi phí tuân thủ như cải cách thủ tục hành chính và điều kiện gia nhập thị trường (các năm 2008, 2011, 2012, 2015 và 2018), giảm thuế (năm 2011, 2014), cải cách thủ tục tiếp cận nguồn tài chính, tín dụng (các năm 2010, 2014, 2015)…
Kinh nghiệm của Tajikistan trong cải thiện vượt bậc về chỉ số B1 có thể coi là một điển hình cho Việt Nam tham khảo, học hỏi. Và để thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN, Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…
Không chấp nhận những khoản chi phí “bôi trơn”
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Tư pháp đã xây dựng Tài liệu hướng dẫn bước đầu các bộ, cơ quan, địa phương về nâng xếp hạng chỉ số B1 năm 2019 với mục tiêu năm nay tăng ít nhất 2 bậc. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn phải là sự vào cuộc, chung tay của các bộ, ngành, địa phương thì việc cắt giảm chi phí tuân thủ mới đạt được thực chất.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình quan niệm, chi phí tuân thủ pháp luật phát sinh trong nhiều lĩnh vực hoạt động của DN, trong suốt các vòng đời hoạt động của bất kỳ DN nào và trong bất kỳ các mối quan hệ tương tác nào giữa DN với cơ quan chính quyền.
Vì vậy, nỗ lực của một bộ, ngành duy nhất không thể giảm bớt được chi phí tuân thủ pháp luật cũng như cải thiện được hình ảnh, điểm số, vị trí xếp hàng trong bảng xếp hạng của WEF. Theo đó, Bộ Tư pháp sẽ đóng vai trò hướng dẫn về chi phí tuân thủ, phương thức cắt giảm; báo cáo, tổng hợp về tình hình cắt giảm của các bộ, ngành, địa phương. Còn việc thực hiện cắt giảm chi phí này chủ yếu phụ thuộc vào nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương.
Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần đánh giá đúng, thực chất gánh nặng chi phí tuân thủ mà các DN đã, đang và sẽ tiếp tục gặp phải trong quá trình thực hiện, chấp hành các quy định pháp luật; khẩn trương công bố kịp thời, đầy đủ, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, đơn giản hóa.
Đồng thời, phát động trong các DN thống nhất nhận thức, thái độ hành xử kiên quyết không “lót tay” cho cán bộ, công chức, viên chức, không chấp nhận chi những khoản chi phí “bôi trơn” để được hưởng những lợi ích, ưu tiên ngoài quy định của pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, trong đó tập trung thanh, kiểm tra cán bộ, công chức thực thi công vụ ở cấp cơ sở và những lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thuế, sử dụng dịch vụ công công, xây dựng…
Phó Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Phạm Ngọc Thạch thì kiến nghị phải giảm tối đa việc nộp bản giấy thành phần hồ sơ, nhất là những giấy chứng nhận/giấy phép do cơ quan nhà nước cấp; xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các ngành.
Ngoài ra, cần công khai minh bạch thông tin trên website cơ quan chính quyền như các thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư…; thường xuyên đối thoại, nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng DN…