Doanh nghiệp chủ động phòng, chống hàng giả

(PLVN) - Nếu tiến hành hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phòng, chống hàng giả thì doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ bảo vệ từ sớm, từ xa.
Doanh nghiệp đồng hành trong phòng, chống hàng giả. (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp đồng hành trong phòng, chống hàng giả. (Ảnh minh họa)

Chế tài đã có đủ

Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, so với các nước, Việt Nam không thiếu văn bản gì trong lĩnh vực phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng (NTD) cũng như bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp (DN). Từ Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh..., rồi các nghị định quản lý chuyên ngành, lĩnh vực từ dược phẩm, phân bón...

“Chúng ta có Luật Bảo vệ NTD, có cả các văn bản về xử phạt hành chính, Bộ luật Hình sự cũng đã có tất cả các chế định, chế tài. Nếu nhìn vào những hình thức chế tài xử phạt cao nhất, tôi thấy rằng các hình phạt hình sự ở Việt Nam khá nặng so với các nước. Ví dụ với tội xâm phạm sở hữu công nghiệp, ở các nước khác tù một vài tháng đã cao lắm rồi nhưng Việt Nam tới 3 năm, rất là nặng. Nếu kinh doanh buôn bán hàng giả thì mức phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù chẳng hạn, chưa nói các hình phạt bổ sung khác…” - ông Lập nói.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, hiện DN Việt cũng đã thấy rất rõ những thiệt hại về thương hiệu khi sản phẩm, nhãn hiệu bị làm nhái. Việc này không chỉ khiến NTD mua phải hàng kém chất lượng mà nguy hiểm nhất là làm xói mòn sức sản xuất của DN khi phải cạnh tranh với hàng giả. Bởi hàng giả vừa rẻ và ý thức người dân cũng chưa cao khi vẫn thỏa hiệp trong việc mua hàng giả. Do vậy, thương hiệu sản phẩm của DN đang bị chịu nhiều thiệt thòi đối với vấn nạn hàng giả hiện nay.

Tuy nhiên, để chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT thì phải quan tâm nhiều đến việc phòng ngừa. “Bởi việc đi kiểm tra của lực lượng QLTT hay các lực lượng chức năng như công an - hải quan… chỉ là phần ngọn. Do đó, tất cả các chủ thể, từ người bán, người sản xuất cho đến NTD đều phải có trách nhiệm trong cuộc chiến chống hàng giả này” - ông Linh nói.

Doanh nghiệp chủ động phòng ngừa

Bà Bùi Thị Thu Hiền - đại diện Bộ phận pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết URC luôn chủ động khuyến khích NTD kiểm tra các logo, các nhãn sản phẩm cũng như tem sản phẩm khi mua hàng hóa của công ty thông qua các kênh truyền thông. Bên cạnh đó, khi phát hiện hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, xâm phạm về SHTT của công ty thì URC cũng đã luôn chủ động liên hệ với các cơ quan nhà nước để xác định các hành vi này có đúng là vi phạm SHTT hay không và từ đó đưa ra các phương hướng xử lý thích hợp.

Đáng chú ý, Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho biết, khi đi công tác nước ngoài, qua cửa các sân bay ông thấy hải quan có thể tiến hành thu hàng hóa nếu phát hiện ra đó là hàng giả. Ví dụ với sản phẩm Louis Vuitton. Nếu một người Việt Nam mang hàng nhái vào các cửa khẩu châu Âu thì hải quan phân biệt được ngay là hàng giả và thu luôn. “Phải có hợp tác với DN thì hải quan mới nhận diện được các hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng” - ông Lập nhận định.

Đây là sự chủ động hợp tác giữa DN và cơ quan thực thi pháp luật và điều này có thể khiến cho công cuộc phòng, chống hàng giả, hàng nhái mang lại kết quả cao hơn. Do đó, DN có thể có cơ chế hợp tác trực tiếp hoặc thông qua các hiệp hội của mình với các lực lượng chức năng để có thể tăng cường bảo vệ thương hiệu của mình cũng như quyền lợi NTD, lợi ích của nền kinh tế.

Lãnh đạo Tổng cục QLTT cũng cho biết, những hãng sản xuất đồ ăn, thức uống hàng ngày cũng đã tìm đến cơ quan QLTT để đề nghị hợp tác phòng, chống hàng giả như: Ajinomoto sản xuất bột ngọt, Acecook của Nhật Bản sản xuất mì gói... Những thương hiệu rất nổi tiếng của Tập đoàn Procter & Gamble như mỹ phẩm, sữa tắm, xà phòng… cũng bị làm giả rất nhiều ở thị trường nội địa. Hay như hãng đồ chơi trẻ em rất nổi tiếng trên thế giới là Lego của Đan Mạch trong tháng qua cũng đã 2 lần làm việc với Tổng cục QLTT về việc bị xâm phạm quyền SHTT của sản phẩm lego ở thị trường Việt Nam. Ngoài ra, hàng giả các thương hiệu sản phẩm của Việt Nam cũng được sản xuất trực tiếp ở trong thị trường nội địa rất nhiều.

“Do đó, chiến lược của lực lượng QLTT trong thời gian tới - ít nhất là đến năm 2025 có những bước tiến đáng kể đẩy lùi được nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT. Trong chiến lược hoạt động của lực lượng, chúng tôi coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhiệm vụ chính của lực lượng QLTT” - ông Linh nhấn mạnh.

Để làm được việc đó cần phải làm rất nhiều việc, từ điều chỉnh lại chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chế tài cho đến tăng cường công tác kiểm tra thực thi đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phối hợp rất nhiều thứ, phối hợp với các lực lượng chức năng.