Doanh nghiệp 'đau đầu' tìm lao động có tay nghề

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thị trường lao động Việt Nam đã bắt đầu chuyển dịch theo hướng giảm dần sử dụng lao động giản đơn, giá rẻ sang sử dụng lao động có kỹ năng và trình độ cao. Thế nhưng, một trong những khó khăn lớn hiện nay là doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động có tay nghề cao. 
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Khó tuyển dụng người lao động có tay nghề

Bà Nguyễn Thị Huyền - Trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty thương mại sản xuất và xây dựng Vĩnh Hưng (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) cho biết: "Dù đang trực tiếp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19 nhưng công ty chúng tôi vẫn rất cần tuyển dụng đội ngũ kỹ sư, cử nhân, công nhân lao động có tay nghề trong các lĩnh vực như: Cơ khí, Điện công nghiệp, Hàn xì, Quản trị kinh doanh… Tuy nhiên, công ty mới chỉ tuyển được 30% lao động giỏi kỹ năng nghề so với nhu cầu".

Bà Huyền chia sẻ, thị trường cạnh tranh các mẫu mã mặt hàng chính nên cần những người giỏi nghề, có kỹ năng mềm để phát triển. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động tay nghề cao không dễ dàng do những người này có công việc ổn định, ít khi phải thay đổi công việc.

Liên tục đăng tin tuyển dụng công nhân nhưng số lao động đáp ứng được nhu cầu của công ty xuất nhập khẩu giấy Thuận Thành (tỉnh Phú Thọ) chỉ 2,3 người. Để tuyển đủ được số lượng lao động, công ty vẫn đành phải nhận nhiều trường hợp chưa có tay nghề vào để vừa làm vừa dạy nghề.

Ông Nguyễn Thiện Thuật, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu giấy Thuận Thành cho hay: “Trước đây công ty tôi có khoảng 250 công nhân, từ khi dịch bùng phát các công nhân liên quan đến ca F1, F2 nghỉ việc rất nhiều. Chúng tôi cần tuyển thợ có chuyên môn giỏi để sản xuất ra nhiều mặt hàng đẹp thu hút khách hàng, cạnh tranh thị trường nhưng để tìm được công nhân đáp ứng được mong muốn của Công ty rất khó".

Tăng chế độ đãi ngộ hỗ trợ "giữ chân" công nhân

Cùng với việc tuyển nhân viên giỏi, công ty cũng chú trọng việc giữ chân họ.

Ông Nguyễn Thiện Thuật chia sẻ, ngoài việc trả lương như thông thường, công ty còn thưởng thêm nửa tháng lương cho công nhân gắn bó với công ty, giúp họ có một khoản chi phí trang trải sau đại dịch. "Dù công ty rất khó khăn, nhưng nếu so sánh những thiệt hại khi phải ngưng trệ sản xuất, trễ đơn hàng, không bán được sản phẩm ra thị trường thì việc bỏ ra một khoản chi phí để hỗ trợ, thu hút công nhân có kĩ năng nghề giỏi là giải pháp cần thiết", Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu giấy Thuận Thành nói.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, để “níu chân” người lao động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để kêu gọi người lao động quay trở về làm việc.

Khi họ đồng ý tiếp tục quay lại làm việc thì doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất nên có động thái thiện chí như ứng trước tiền tàu xe, bố trí chỗ ở để họ ổn định cuộc sống và yên tâm làm việc. Nếu phải tuyển dụng lao động thì cần tổ chức đào tạo cấp tốc để người lao động có tay nghề vững và bắt tay vào làm việc được ngay. Sau một thời gian công việc bị gián đoạn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần có chương trình nâng cao trình độ tay nghề với những lao động cũ để từ đó nâng cao năng suất lao động.

Ông Thịnh cũng đề xuất, cần có một mức lương thỏa đáng để động viên lao động làm việc thêm ca, thêm giờ nhằm hoàn thành mục tiêu công việc cuối năm. Bởi từ giờ đến cuối năm là thời điểm mà rất nhiều đơn hàng cần phải thực hiện và hoàn thiện.

Đọc thêm