Doanh nghiệp du lịch 'chết lâm sàng" chờ đòn bẩy hậu COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đại dịch COVID-19 khiến người làm du lịch phải xoay xở trong bối cảnh thất nghiệp, các doanh nghiệp du lịch kỳ vọng Nhà nước sẽ xây dựng kế hoạch thật tốt để vực dậy ngành này.
Khách du lịch dạo bộ tại Phố cổ Hội An những ngày chưa COVID-19.
Khách du lịch dạo bộ tại Phố cổ Hội An những ngày chưa COVID-19.

Xoay xở tìm việc mưu sinh

Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc (GĐ) Cty CP Du lịch Vietsense cho biết, 4 đợt dịch vừa qua là 4 đợt sàng lọc khủng khiếp với các doanh nghiệp (DN) du lịch. Đợt dịch đầu tiên làm DN suy yếu, mệt mỏi nhưng còn cầm cự được. Đợt dịch thứ hai, DN nhỏ, tổ chức không bài bản cơ bản, biến mất và rút khỏi thị trường. Đợt dịch thứ 3, những DN “cứng” rơi vào khủng hoảng. Đợt dịch thứ 4, những DN đầu ngành tê liệt, bất động.

Trước khi dịch bùng phát, Vietsense có hơn 20 nhân viên hành chính, gần 150 hướng dẫn viên; nhưng giờ chỉ còn 7 trưởng phòng và 1 GĐ. “Hiện không một DN du lịch nào còn sức giữ chân được nhân sự. Như Cty tôi, khuyến khích anh em tìm công việc khác mưu sinh”, ông Tài nói.

Ông Nguyễn Văn Tài Giám đốc công ty Du lịch Vietsense.

Ông Nguyễn Văn Tài Giám đốc công ty Du lịch Vietsense.

Gần 10 năm làm trong ngành du lịch, mỗi năm Cty đón 2000 - 3000 khách quốc tế từ Thái Lan, Trung Quốc; nhưng giờ ông Phạm Đình Tấn, GĐ Cty Du lịch Viet World Tour cho biết, Cty đã làm tạm dừng hoạt động từ tháng 6/2021.

“Chính tôi cũng chỉ ở nhà nghe ngóng tình hình và xây dựng các chương trình du lịch chuẩn bị thời kỳ hậu Covid. Để hoạt động như thời kỳ trước và liệu có tiếp tục thuê nhân sự nữa hay không thì chưa tính được. Nếu cứ “bập bõm” lúc có dịch, lúc không thì DN cũng chỉ hoạt động cầm chừng với quy mô nhỏ, vừa phải’, ông Tấn nói.

Ông Phạm Đình Tấn, GĐ Cty Du lịch Viet World Tour.

Ông Phạm Đình Tấn, GĐ Cty Du lịch Viet World Tour.

Anh Nguyễn Văn Huy, nhân viên điều hành lâu năm của Cty du lịch lữ hành Vietravel chia sẻ, dịch bệnh kéo dài khiến Cty phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc tạm thời. Nói là tạm thời nhưng cũng không chắc chắn đến khi nào mới mở cửa trở lại.

“Công việc gần như đóng băng hoàn toàn vì công ty chuyên về lĩnh vực outbound (du lịch nước ngoài dành cho khách trong nước). Sau đó đã chuyển hướng sang các hoạt động tổ chức du lịch nội địa và đặt phòng khách sạn cho những nhóm gia đình có nhu cầu, nhưng công việc cũng không ổn định”, anh Huy cho biết đã chuyển sang bán hàng online để có chi phí trang trải cuộc sống.

Tương tự, chị Phạm Triệu Vi, quản lý lữ hành quốc tế Cty du lịch Vietravel cho biết, kể từ đầu 2020 Cty chỉ còn duy trì các booking lẻ nội địa gồm lưu trú và vé máy bay. Từ khi dịch bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam thì du lịch nội địa đóng băng hoàn toàn. Nhìn đội ngũ nhân viên cấp dưới làm trái nghề, chị cảm thấy xót xa, lo lắng đại dịch kéo dài sẽ khiến “chảy máu” nhân lực du lịch nếu không có những giải pháp kịp thời.

Chị Vi cho biết dù rất khó khăn nhưng không có ý định từ bỏ công việc du lịch mà vẫn cố gắng tạo ra ý tưởng mới trong thời điểm khó khăn. “Nhu cầu và đam mê đi lại của người đi du lịch là không giới hạn, chúng tôi vẫn nỗ lực để cung ứng dịch vụ tốt nhất tới khách hàng”, chị lạc quan. Để cầm cự qua dịch, chị đang triển khai cung cấp sản phẩm và dịch vụ khử khuẩn.

Trông chờ một chính sách “đúng và trúng”

Thời gian vừa qua, Nhà nước đã có quyết sách rất đúng đắn với các DN nói chung và DN du lịch nói riêng như giảm 80% phí ngân hàng, cho khoanh nợ, thí điểm đón khách ở Phú Quốc… giúp ngành du lịch cầm cự trong bối cảnh hiện tại và thắp thêm hi vọng trong tương lai.

Tuy nhiên, để cạnh tranh đối với các đối thủ lớn trong khu vực như Thái Lan, Singapore hay Indonesia, nhiều DN cho rằng cần phải quyết liệt hơn nữa trong hoạch định và thực thi chính sách. Bởi trên thực tế chúng ta đang có nhiều lợi thế bởi tài nguyên du dịch phong phú, cùng danh tiếng vị thế Việt Nam đang rất tốt với quốc tế.

Nhiều DN du lịch đang cần những chiến lược dài hơi, đòn bẩy chính sách “đúng, trúng” của Nhà nước để họ có thể “bứt tốc” thời hậu Covid. Có hai đề xuất chính với cơ quan chức năng. Thứ nhất, DN du lịch mong muốn sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ thông suốt xuống các địa phương. Địa phương cần mạnh dạn trong mở cửa đón khách và hỗ trợ DN tại điểm đến như giảm giá vé thắng cảnh, giá dịch vụ, phí cầu, đường.

Thứ hai, vì các DN du lịch gần như đang trong trạng thái “chết lâm sàng” nên rất cần được dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Với DN du lịch, tài sản lớn nhất là nhân lực và thương hiệu chứ không có nhiều tài sản cố định, nên việc tiếp cận với nguồn vốn cực kỳ khó. Các ngân hàng cần có cơ chế mở hơn với DN du lịch để có nguồn vốn hoạt động trở lại.

Theo các DN du lịch, hiện việc kiểm soát COVID-19 của nước ta đang đi đúng hướng, nên hầu hết các Cty đã triển khai xây dựng các tour cho mùa du lịch Tết Nguyên đán. Nhiều DN hy vọng 1-2 tháng nữa Chính phủ kiểm soát hoàn toàn được dịch, cộng thêm sức nén nhu cầu du khách, thị trường sẽ bật lên mạnh mẽ. Lo ngại nhất hiện nay là tình trạng thiếu nhân lực bởi không ít người làm du lịch đã chuyển sang nghề khác.

Nhiều ý tưởng về du dịch trong thời gian tới cũng bắt đầu được nhen nhóm như tạo ra một liên kết khép kín dịch vụ (vận chuyển, khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan) với những du khách đã có “thẻ xanh”.

“Trước tiên áp dụng tổ chức tour trong nước cho những đối tượng nhóm du khách nhỏ hoặc các gia đình có điều kiện. Sau đó có thể áp dụng cho các đối tượng là các chuyên gia hoặc du khách nước ngoài đến từ các nước trên thế giới. Hy vọng khi thị trường du lịch mở cửa trở lại, Việt Nam áp dụng cơ chế đi lại với người có “hộ chiếu vắc xin” thì mô hình này có cơ hội thử nghiệm”, anh Huy nói.

Đọc thêm