Làng muối Sa Huỳnh và hướng đi phát triển du lịch cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không chỉ giúp quảng bá hình ảnh, con người và sản phẩm muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) nức tiếng, việc phát triển du lịch cộng đồng còn cải thiện thu nhập, góp phần giải bài toán ‘được mùa, mất giá’ tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm qua.

Làng nghề lâu đời

Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) không chỉ được biết đến với những di tích khảo cổ học quan trọng hay bãi biển cát vàng quanh năm rì rào sóng vỗ, mà còn nổi tiếng với cánh đồng muối bát ngát nằm dọc theo QL1A (thuộc phường Phổ Thạnh), cách trung tâm TP Quảng Ngãi khoảng 60km về phía Nam.

Cánh đồng muối Sa Huỳnh được xem là vựa muối lớn nhất miền Trung với diện tích khoảng 105ha. Nghề muối được hình thành từ thế kỷ 19 và được tiếp nối qua các thế hệ, gìn giữ đến ngày nay, trở thành nghề truyền thống đặc trưng của cư dân Sa Huỳnh.

Hiện nay, nghề muối tạo sinh kế 500 diêm dân địa phương, mỗi năm, Sa Huỳnh cung cấp cho thị trường từ 6.000 – 6.500 tấn muối. Tuy nhiên, cũng như ở nhiều địa phương khác, nghề muối hiện nay hiệu quả kinh tế không cao khi giá cả luôn bấp bênh.

Cánh đồng muối Sa Huỳnh nhìn trên cao đẹp như tranh vẽ.

Cánh đồng muối Sa Huỳnh nhìn trên cao đẹp như tranh vẽ.

Diêm dân Trần Cư (trú phường Phổ Thạnh) cho biết, gia đình ông làm nghề muối từ lâu đời. Những năm qua, giá muối được thương lái thu mua thường lên xuống thất thường. “Nghề muối thất thường lắm, có năm giá lên 4.000 – 5.000 đồng/kg, năm thì rớt xuống vài trăm đồng 1kg. Nhìn chung muối mà được mùa thì mất giá mà mất mùa thì được giá”, ông Cư nói.

Vấn đề này được Hội Nông dân phường Phổ Thạnh cho rằng, nguyên nhân của việc giá muối không ổn định là do đến nay, sản phẩm muối ở Sa Huỳnh chưa có nhiều doanh nghiệp thu mua số lượng lớn để chế biến. Trên địa bàn hiện chỉ mới có 1 công ty liên kết sản xuất với người làm muối nhưng số lượng tiêu thụ mỗi năm cũng chỉ khoảng 200 tấn. Trong khi đó, sản lượng muối hàng năm ở Sa Huỳnh khoảng từ 6.000 – 6.500 tấn. Lượng lớn sản phẩm còn lại đều được thu mua qua thương lái để đi bán dạo.

Làng nghề muối Sa Huỳnh hình thành cách đây hơn 100 năm.

Làng nghề muối Sa Huỳnh hình thành cách đây hơn 100 năm.

Trước thực trạng này, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đau đáu tìm hướng đi mới nhằm hỗ trợ người dân. Và việc đưa việc sản xuất muối gắn với du lịch cộng đồng là hướng đi mới tích cực, đầy triển vọng.

Nói vậy là bởi, hướng đi này phù hợp với sự phát triển du lịch của thị xã Đức Phổ, cửa ngõ phía nam của tỉnh, thêm vào đó là Văn hóa Sa Huỳnh trở thành di tích Quốc gia đặc biệt. Ngoài việc du lịch nghỉ dưỡng, du khách cũng rất thích thú với việc trải nghiệm làng nghề sản xuất muối Sa Huỳnh, mở ra cơ hội lớn để phát triển du lịch cộng đồng, tạo thêm thu nhập cho diêm dân.

Phát triển làng nghề gắn với du lịch

Nhằm hiện thực hóa hướng đi trên, nâng cao giá trị cho nghề làm muối Sa Huỳnh, vào đầu tháng 6/2024, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn đồng muối truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại phường Phổ Thạnh.

Dự án do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ-Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF-SGP) tài trợ với tổng mức nguồn vốn gần 2 tỷ đồng. Hội Nông dân phường Phổ Thạnh được giao làm chủ dự án, thời gian thực hiện từ tháng 5/2024 -10/2025.

Những năm qua, diêm dân luôn đối mặt với tình trạng được mùa, mất giá, thu nhập không ổn định.

Những năm qua, diêm dân luôn đối mặt với tình trạng được mùa, mất giá, thu nhập không ổn định.

Mục tiêu của dự án là bảo tồn đồng muối truyền thống, phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh và phát triển du lịch cộng đồng. Phát triển muối truyền thống Sa Huỳnh trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái ngập mặn. Đồng thời, đưa Sa Huỳnh trở thành điểm đến trải nghiệm nghề muối, điểm du lịch học tập cộng đồng kết nối văn hóa Sa Huỳnh và các hệ sinh thái.

Bà Nguyễn Thị Vân (trú thôn Long Thạnh 1, phường Phổ Thạnh) cho biết, người dân thật sự rất vui nếu làng muối được nhiều người biết đến qua các sản phẩm du lịch. “Thỉnh thoảng một vài đoàn khách nước ngoài dừng lại thăm đồng muối, bà con ở đây vui lắm. Nghe du khách bảo, ở Pháp cũng có cánh đồng muối truyền thống như Sa Huỳnh và là điểm du lịch nổi tiếng châu Âu”, bà Vân chia sẻ.

Phát triển nghề muối gắn với du lịch cộng đồng là mong muốn của diêm dân Sa Huỳnh.

Phát triển nghề muối gắn với du lịch cộng đồng là mong muốn của diêm dân Sa Huỳnh.

Tâm huyết với muối Sa Huỳnh, chị Phạm Thị Hồng Thắm - Công ty TNHH MTV Muối Sahu cho rằng, trên đồng muối Sa Huỳnh nên có những tour du lịch tìm hiểu về mô hình ruộng muối phơi nước truyền thống.

Đến cánh đồng muối Sa Huỳnh, ngoài chiêm ngưỡng cánh đồng muối trắng tinh đẹp như tranh vẽ, du khách còn được học tập, nghiên cứu về hệ sinh thái trên đồng muối và tác động của chúng tới môi trường, và kế sinh nhai của người dân địa phương. Du khách cũng được trải nghiệm làm muối hạt, hoa muối, ngắm bình minh và hoàng hôn trên đồng muối.

Kết hợp du lịch đồng muối với một số địa điểm du lịch nổi tiếng xung quanh như: bãi biển Sa Huỳnh, nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh hay làng gốm cổ truyền, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ..., tạo nên đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách.

Tuy nhiên, việc bảo tồn đồng muối truyền thống Sa Huỳnh gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại phường Phổ Thạnh hiện nay mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên, còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó đặc biệt cần phải đầu tư, cải tạo lại hạ tầng ở đồng muối.

Trải qua nhiều thế hệ, đến nay, tuyến đê biển và đê ngăn, hệ thống thủy lợi đã bị xuống cấp, đường giao thông nội đồng bị sạt lở, lồi lõm cục bộ, cơ giới vận chuyển khó khăn, không bảo đảm việc vận chuyển vật tư, sản phẩm từ đồng muối ra trục đường chính.

Phát triển du lịch cộng đồng giúp diêm dân làng muối Sa Huỳnh cải thiện thu nhập, góp phần giải bài toán ‘được mùa, mất giá’ tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm qua.

Phát triển du lịch cộng đồng giúp diêm dân làng muối Sa Huỳnh cải thiện thu nhập, góp phần giải bài toán ‘được mùa, mất giá’ tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm qua.

Ông Trần Ngọc Sang - Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ cho biết, trước thực trạng hạ tầng đồng muối Sa Huỳnh xuống cấp, thị xã đã kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên bố trí nguồn vốn trung hạn để đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để từng bước phát triển du lịch cộng đồng ở làng muối lâu đời này.

“Tuy nhiên, đối với việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn thì hiện nay chỉ có một số đơn vị tiếp cận nhưng nguồn lực đầu tư, phương hướng hoạt động chưa rõ ràng. Do đó, giải pháp mà thị xã đưa ra là kêu gọi các doanh nghiệp lớn vào đầu tư để phát triển không gian văn hóa, di chỉ Sa Huỳnh. Khi đó, đồng muối Sa Huỳnh sẽ là “vệ tinh” xung quanh làm đa dạng các địa điểm tham quan để thu hút khách du lịch. Như thế mới phát triển du lịch cộng đồng mới bền vững, giúp người dân làm muối cải thiện thu nhập được”, ông Sang nói.

Đọc thêm