Cà Mau: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là miền đất tận cùng ở cực Nam Tổ quốc, Cà Mau "xứ sở diệu kỳ" được mệnh danh là nơi đất biết nở, rừng biết đi và biển biết sinh sôi, Cà Mau đã và đang có rất nhiều dự án để tập trung xây dựng, phát huy và khai thác tốt lợi thế, tiềm năng du lịch của địa phương, nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.

Tăng kết nối, phát triển du lịch

Du khách trải nghiệm tham quan xuyên rừng, khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia - Khu Ramsar - khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.

Du khách trải nghiệm tham quan xuyên rừng, khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia - Khu Ramsar - khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.

Cà Mau có vị trí địa lý nằm ở điểm cuối cùng cực Nam Tổ quốc, với tiềm năng của rừng và biển và hệ sinh thái động vật, thực vật rất phong phú, đa dạng. Đây là nguồn ẩm thực dồi dào, phong phú mà không có nơi nào có được với trên 200 loài thủy sản của hệ sinh thái mặn, lợ, ngọt. Đồng thời, Cà Mau còn là vùng đất hội tụ nhiều đặc điểm để phát triển du lịch sinh thái như rừng, biển, thủy hải sản; giao thông đường thủy, cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử cách mạng, lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc.

Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản thông suốt, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ đến các điểm du lịch chính (Đất Mũi, Khai Long, Hòn Đá Bạc, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ). Đặc biệt, hai tuyến đường Hồ Chí Minh về Đất Mũi và tuyến đường hành lang ven biển phía Nam góp phần quan trọng cho việc phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế.

Với những lợi thế đó, vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch Cà Mau là làm thế nào để phát triển du lịch một cách hiệu quả thu hút đông đảo khách du lịch nội địa và quốc tế đến với địa phương.

“Để phát triển du lịch hiệu quả, thu hút đông đảo khách du lịch nội địa và quốc tế đến Cà Mau, thời gian tới, các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh và các nhà cung ứng dịch vụ kết nối giao thương, mở ra cơ hội hợp tác và phát triển bền vững", ông Tiêu Minh Tiên - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, bày tỏ mong muốn.

Khách du lịch trải nghiệm đặt lú bắt cua dưới vuông tôm tại điểm du lịch cộng đồng của ông Trần Văn Hướng (ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).

Khách du lịch trải nghiệm đặt lú bắt cua dưới vuông tôm tại điểm du lịch cộng đồng của ông Trần Văn Hướng (ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đồng thời cho biết: Cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch địa phương giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng của Cà Mau; Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành sáng tạo trong việc xây dựng các tour, tuyến và sản phẩm du lịch mới, tạo mạng lưới kết nối chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài tỉnh.

Cấp, ngành chức năng cũng sẽ thúc đẩy các sáng kiến, chia sẻ kiến thức công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong quảng bá, phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng, cùng kinh nghiệm thu hút khách quốc tế, giúp đưa Cà Mau trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch.

Du lịch sinh thái gắn với hệ thống rừng ngập - du lịch nông nghiệp

Theo ông Trần Anh Cảnh - Giám đốc Công ty Tư vấn và Phát triển du lịch Bình Minh (TP HCM): “Để phát huy tiềm năng du lịch Cà Mau, cần tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, phát triển du lịch theo hướng bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Kế đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa du lịch, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch.

Đặc biệt, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ du lịch; tạo dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn khách du lịch. Từ đó xây dựng Cà Mau là điểm đến hấp dẫn, độc đáo và mến khách. Trong đó, sản phẩm du lịch trọng tâm mang tính cạnh tranh là du lịch địa lý; du lịch biển, đảo; du lịch sinh thái gắn với hệ thống rừng ngập và du lịch nông nghiệp;

Cần quan tâm đến thị trường khách du lịch nội địa, do đây là nguồn khách thường xuyên và quan tâm nhiều đến vị trí Mũi Cà Mau. Bên cạnh đó coi trọng thị trường khách du lịch quốc tế trong tương lai.

Du khách trải nghiệm đặt lờ bắt cá đồng, đặt trúm bắt lươn, đi lấy ong… tại điểm du lịch cộng đồng 10 Ngọt (ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời).

Du khách trải nghiệm đặt lờ bắt cá đồng, đặt trúm bắt lươn, đi lấy ong… tại điểm du lịch cộng đồng 10 Ngọt (ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời).

“Cà Mau cần tập trung theo hướng khai thác tiềm năng du lịch sinh thái thành một ngành dịch vụ quan trọng của tỉnh, có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các điểm du lịch sinh thái, các Công ty lữ hành trong tỉnh và các Công ty lữ hành ngoài tỉnh để cùng nhau thúc đẩy du lịch Cà Mau phát triển”, ông Trần Anh Cảnh nói thêm.

Trong những năm gần đây, loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở Cà Mau ngày càng thu hút được nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn.

Điểm du lịch nổi bật như rừng ngập mặn Cà Mau - một trong những hệ sinh thái đất ngập nước của thế giới, mang lại giá trị sinh thái cao. Những khu rừng đước, rừng tràm tự nhiên không chỉ là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật mà còn là khung cảnh lý tưởng cho các hoạt động khám phá, chụp ảnh và trải nghiệm.

Bắt ba khía về đêm tại điểm du lịch Hoàng Hôn (ấp Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển).

Bắt ba khía về đêm tại điểm du lịch Hoàng Hôn (ấp Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển).

Ông Nguyễn Trung Kiên (Điều hành Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ - xây dựng - du lịch Hoàng Hôn, ấp Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) cho biết: “Du khách đặt chân đến đây được ngắm hệ sinh thái rừng ngập mặn để trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên, trải nghiệm bắt nghêu, chèo Sup. Đặc biệt, du khách cùng người dân đi câu cua, soi ba khía, xổ vuông tôm; thưởng thức các món ngon dân dã của địa phương.

Thời gian tới, điểm du lịch sinh thái Hoàng hôn xây dựng thêm nhiều mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm thú vị với những tour mới. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn trên tuyến xuyên rừng; phục dựng lại nhà ba gian không cửa, xây dựng cầu khỉ trong rừng để du khách check-in”.

Có thể nói, thời gian qua, sự nỗ lực chung các cấp, các ngành tỉnh Cà Mau; đặc biệt là sự tâm huyết, vươn mình phát triển, đóng góp không mệt mỏi của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch giúp ngành du lịch Cà Mau phát triển ấn tượng, từ diện mạo, chất lượng sản phẩm dịch vụ, lượng khách. Qua đây tạo nên bức tranh mới, khí thế mới, sức bật mới cho du lịch Cà Mau.

Đọc thêm