Mới nạo vét đã bồi lấp 70 cm
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vừa ký công văn gửi Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị nhiều nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN hàng hải. Liên quan đến hoạt động khai thác cảng biển, vấn đề bồi lấp luồng lạch được nhiều DN quan tâm, đề xuất phương án xử lý.
Theo vị này, với khối cảng biển, luồng lạch là cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng thúc đẩy vận tải biển. “Luồng lạch bị bồi lấp ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp nhận tàu, lượng hàng có thể chuyên chở trên các tàu. Việc này ảnh hưởng đến cả hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN khai thác cảng và hãng tàu”, lời ông Hạnh.
Tìm hiểu thực trạng tại một số cảng biển cho thấy, luồng lạch đang ngày càng bồi lấp nhanh, mạnh. Cụ thể, tại cảng Hải Phòng, khu vực này sau khi được nạo vét năm 2018 đã bị bồi lấp trở lại, độ sâu giảm 30 - 40 cm so với thiết kế, ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải tại khu vực. “Tình trạnh luồng hàng hải Hải Phòng liên tục bị sa bồi từ -7m giảm xuống -6,3m (tức 70cm) đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác cũng như sản lượng hàng hóa thông qua vì luồng cạn”, đại diện cảng Hải Phòng phản ánh.
Tại cảng Nghệ Tĩnh, luồng vào cảng Cửa Lò chưa được nhà nước đầu tư vũng quay đã hạn chế các tàu lớn ra vào làm hàng ở Cửa Lò, nhất là các tàu dài trên 150m không vào được. Ngoài ra, luồng vào cảng Bến Thủy cạn, chỉ đảm bảo cho tàu nhỏ hơn 2.000 DWT.
Lãnh đạo Cảng Nghệ Tĩnh kiến nghị với Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam sớm triển khai dự án nâng cấp luồng tàu ra vào Cảng Cửa Lò giai đoạn 2, đưa luồng tàu xuống -9 đến -9,5m để đưa các tàu có trọng tải từ 20.000 DWT đến 25.000 DWT ra vào thuận lợi; đồng thời duy tu nạo vét luồng tàu Cửa Hội vào Cảng Bến Thủy xuống độ sâu thiết kế -2,5m.
Thiếu chỗ quay tàu
Tại Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), vũng quay tàu cầu 1, 2 được giới hạn bởi hai phần ba đường tròn với đường kính 388m, độ sâu -10,1m nên việc quay trở tàu trọng tải lớn gặp nhiều khó khăn. Để khu bến Tiên Sa tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn, tàu container có sức chở đến 4.000 TEU, tàu khách du lịch quốc tế đến 225.000 GT theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, thì việc thực hiện duy tu và nâng cấp luồng hàng hải Đà Nẵng là rất cần thiết.
Lãnh đạo cảng này kiến nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, điều chỉnh quy hoạch, thiết kế tuyến luồng và vũng quay trở (độ sâu luồng: -14m, rộng 150m, vũng quay tàu 540m), thực hiện nạo vét tuyến luồng và vũng quay trở của khu vực bến của Dự án cảng Tiên Sa giai đoạn 2.
Tương tự, ở Nam Trung bộ, cảng Cam Ranh cũng muốn duy tu luồng hàng hải Ba Ngòi ở mức tối thiểu 10,5m trong phạm vi 100m đáy luồng để tạo điều kiện cho DN có thể tiếp nhận được tàu 30.000 DWT-45.000DWT có tận dụng thủy triều. Tại Cần Thơ, theo đánh giá của VIMC, luồng hàng hải vào cảng này qua cửa Định An và kênh Quan Chánh Bố chưa thật sự thông thoáng cho các tàu có trọng tải lớn. Cảng Cần Thơ hiện chỉ khai thác được các tàu nhỏ dưới 5.000 tấn và phương tiện thủy nội địa.
Đội tàu Việt Nam muốn chở than cho các “ông lớn”
VIMC và các DN thành viên đề xuất: Đối với công tác vận chuyển than phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam..., VIMC đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT và Bộ Công Thương hỗ trợ, chỉ đạo các chủ hàng trong nước, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện thực hiện đấu thầu trong nước đối với các gói thầu vận chuyển than để việc tăng thị phần vận tải của đội tàu Việt Nam được thực hiện nhanh chóng và có tính khả thi cao.
Đối với trường hợp phải tổ chức đấu thầu quốc tế, VIMC đề nghị cơ chế các chủ hàng dành khoảng 30% sản lượng với giá bằng giá thắng thầu để giao cho VIMC thực hiện.