Nhiều khâu trung gian cản trở doanh nghiệp chuyển đổi
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tính đến tháng 8/2017, cả nước mới chỉ có 303 DN được cấp giấy chứng nhận DN KHCN, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ tự động hoá, công nghệ vật liệu mới...
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, có rất nhiều DN KHCN hiện nay đang hưởng các ưu đãi ở lĩnh vực khác với mức cao hơn, cho nên không đăng ký vào lĩnh vực KHCN. Ngoài ra, DN cần được ưu đãi về đất đai, nhưng quỹ đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế, cho nên quy định miễn tiền thuê đất khó áp dụng được. Đáng chú ý, ưu đãi thuế đối với DN KHCN khá khó khăn khi DN phải bảo đảm được mức tăng trưởng và doanh thu từ KHCN.
Việc đăng ký chứng nhận là DN KHCN còn tồn tại nhiều quy định phức tạp khi phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu KHCN hay phải giải trình quá trình ươm tạo làm chủ công nghệ… trong khi không phải DN nào cũng sẵn sàng chia sẻ bí quyết công nghệ. Ngay cả khi nhận được chứng nhận thì những DN KHCN cũng gặp trở ngại về vốn khi khó tiếp cận được những hỗ trợ đầu tư từ phía Nhà nước vì phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp, quá nhiều khâu trung gian cản trở hoặc đầu tư chưa tới ngưỡng.
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Phát triển thị trường KH&CN (Bộ KH&CN) cho biết, việc chuyển đổi các DN trở thành DN KHCN còn chậm so với kỳ vọng của Nhà nước còn do nhận thức của DN đối với công nghệ chưa cao. Nhiều DN chưa thật sự quan tâm tới việc đổi mới công nghệ, tập trung đầu tư cải tiến phương thức sản xuất mà chủ yếu là các DN thương mại. Ngoài ra, các chương trình ưu đãi đang triển khai cũng gặp một số rào cản thách thức từ phía cơ quan quản lý nhà nước, chưa có sự đồng bộ về các chính sách khiến một số DN chưa nhận được ưu đãi trong thực tế.
Gỡ “nút thắt”, tạo ưu đãi đầu tư
Để khuyến khích thành lập và chuyển đổi sang mô hình DN KHCN, Bộ KH&CN đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 13/2019/NĐ-CP (NĐ 13) về DN KHCN, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2019....
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KHCN (Bộ KH&CN) cho biết: NĐ 13 giúp hỗ trợ giải quyết một trong những khó khăn “tồn tại” của các DN KHCN là nghiên cứu và thương mại hóa kết quả KHCN. Bởi thực tế, quá trình thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KHCN gặp nhiều rào cản như: Quy định về công nhận sản phẩm mới, tâm lý e ngại từ người tiêu dùng, khó thương mại hóa các sản phẩm hướng tới những đối tượng thu nhập thấp, vấn đề bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ…
DN KHCN được ưu tiên, không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN, cơ sở nghiên cứu KHCN của Nhà nước.
DN KHCN được sử dụng Quỹ phát triển KHCN của DN và các nguồn huy động hợp pháp khác để thương mại hóa kết quả KH&CN; được ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả KHCN, tài sản trí tuệ của Nhà nước. Nội dung và mức hỗ trợ cụ thể thực hiện theo quy định của Nhà nước về dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả KHCN, tài sản trí tuệ; DN KHCN được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật về lệ phí trước bạ.
Bên cạnh đó, Nghị định 13 còn mở nhiều “nút thắt”, tạo ra nhiều chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ DN KHCN phát triển. DN KHCN sẽ được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Tuy nhiên, để được ưu đãi trên, năm tài chính của DN phải đáp ứng điều kiện về doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả KHCN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của DN. Điều kiện, thủ tục thực hiện ưu đãi thuế thu nhập DN thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập DN và quản lý thuế…