Cho rằng đã có một kịch bản tinh vi nhằm triệt hạ thương hiệu sữa dê Danlait trên thị trường và Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cố tình hại doanh nghiệp (DN), ông Đặng Quang Mạnh - Giám đốc Cty Mạnh Cầm đã phát đơn khởi kiện cơ quan này và cá nhân ông Phó Chi cục trưởng Vương Trí Dũng ra Tòa.
Ngày 9/7, TAND TP.Hà Nội đã nhận đơn.
Sữa dê Danlait. Ảnh minh họa nguồn Internet |
Trước đó, vào cuối tháng 2, một số diễn đàn và trang mạng xã hội loan truyền thông tin nghi vấn về chất lượng sữa dê Danlait của Cty Mạnh Cầm. Ngay sau đó, Chi cục QLTT Hà Nội vào cuộc và thu giữ gần 5.000 hộp sữa của công ty này. Theo cáo buộc của DN, sau hơn 3 tháng không được bảo quản đúng tiêu chuẩn quy định, số hàng hóa này đã bị hỏng gần như hoàn toàn.
“Tính đến thời điểm tháng 7, Cty Mạnh Cầm đã thiệt hại hơn 7 tỷ đồng chi phí phát triển thị trường với hơn 250 đại lý phân phối sản phẩm sữa dê Danlait. Nhưng quan trọng hơn, cơ hội tồn tại của sản phẩm của chúng tôi tại thị trường Việt Nam đã gần như không còn và nguy cơ phá sản đang cận kề”, ông Đặng Quang Mạnh cho biết.
Lý do thiệt hại trầm trọng như vậy, theo đại diện DN, là vì ông Vương Trí Dũng cùng các thuộc cấp đã “cố tình” đưa ra một “ma trận” thông tin nghi ngờ (thiếu chứng cứ) về chất lượng sản phẩm sữa dê Danlait rồi bỏ lửng, trong khi Cty Mạnh Cầm chỉ vi phạm lỗi hành chính duy nhất về “ghi nhãn phụ chưa đúng với quy định ghi nhãn hiện hành”, mức phạt về tiền tại quyết định xử phạt sau đó chỉ 15 triệu đồng.
“Đội QLTT 12 gửi sản phẩm của chúng tôi đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia - Bộ Y tế để kiểm nghiệm và kết quả cho thấy đạt chất lượng. Tuy nhiên, Chi cục QLTT Hà Nội đã cố tình không thông báo cho DN và báo chí suốt hơn 3 tháng kể từ ngày Cty bị kiểm tra” - ông Mạnh bức xúc.
Vị này cũng đặt nhiều dấu hỏi về động cơ của các cán bộ thực thi công vụ tại Chi cục QLTT Hà Nội về việc khi kiểm tra DN thì mời hàng loạt cơ quan truyền thông đến đưa tin, ghi hình, nhưng khi trả lại hàng thì chỉ thực hiện một cách âm thầm, lặng lẽ.
“Đã có một kịch bản tinh vi nhằm triệt hạ thương hiệu sữa dê Danlait trên thị trường. Chúng tôi cũng đã tố cáo chuyện này lên Thủ tướng Chính phủ”, Giám đốc DN nói.
Doanh nghiệp cũng muốn “mời” công an vào cuộc
Trước đó, Bộ Nông nghiệp, Nông lương và Lâm sản Cộng hòa Pháp đã có văn bản gửi ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế xác nhận: “Sữa dê dùng để sản xuất sữa bột trẻ em Danlait được DN l’Union Laitière de la Venise Verte thu hoạch và chế biến tại tỉnh Vendée của Pháp” và “hoàn toàn đáp ứng các quy định của luật pháp hiện hành cũng như đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong suốt quá trình chế biến”.
Công văn gửi từ Paris cũng nói rõ: Các sản phẩm sữa Danlait do l’Union Laitière de la Venise Verte có số đăng ký FR 85-133-01 CE chế biến sau đó đã được Công ty FIT xuất đi trực tiếp. Đây là hoạt động kinh doanh tực tiếp từ nhà sản xuất đến nhà bán buôn, không có sự can thiệp làm thay đổi thành phần của sản phẩm trong quá trình kinh doanh. Số đăng ký ký FR 85-133-01 CE được in trên từng hộp sữa và chứng nhận nguồn gốc của sản phẩm là tại Pháp chứ không phải tại Trung Quốc như một số thông tin đã đưa trên các báo Việt Nam.
Thông điệp này đã “minh oan” cho Danlait và khi DN chuẩn bị “lấy lại tinh thần” thì trong cuộc họp báo mới đây của Bộ Công Thương, đại diện lực lượng QLTT lại phát biểu rằng đã phát hiện “dấu hiệu trốn thuế” trong vụ việc này và cho biết “đã chuyển vụ việc sang cho cơ quan công an”.
“Chúng tôi là một DN nhỏ, thực sự suy sụp trước những sự o ép, quy kết đến cùng như vậy. Trong khi các cơ quan thuế và hải quan không đặt vấn đề này, sao họ có thể nói như vậy tại một cuộc họp báo rồi phủi tay không phải chịu một trách nhiệm nào trước tổn hại uy tín của DN. Bây giờ chúng tôi cũng rất muốn cơ quan công an vào cuộc để có thể làm rõ những khuất tất này”, ông Mạnh nói.
Tùng Sơn - Mai Hoa