Những ưu tiên tăng trưởng hiệu quả và bền vững hơn là tăng trưởng nhanh của Chính phủ đã nhận sự đồng thuận cao và được đánh giá là dấu hiệu tích cực cho triển vọng phát triển kinh tế lâu dài của Việt Nam. Nhìn rộng hơn, chúng ta có thể kỳ vọng vào những giải pháp tầm chiến lược, mang tính ổn định thay cho những giải pháp tình thế.
Cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ sự quyết liệt hơn nữa trong việc thực thi các chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 02 dù được ban hành từ đầu năm nhưng thực tế vẫn chưa phát huy được hiệu quả.
“Ngóng” chính sách
Một nội dung quan trọng trong Nghị quyết 02, đó chính là vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Các Bộ, ngành đang dần dần minh bạch hóa các văn bản, thủ tục, chính sách và quan trọng là đã lắng nghe ý kiến từ phía các DN nhiều hơn.
Theo ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế, nguyên Trưởng ban Pháp chế VCCI, trong báo cáo Hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ (MEI), DN đã tham gia tương đối tốt vào việc chấm điểm và điều hành chất lượng các bộ, ngành, địa phương. Trong bảng chấm điểm 14 bộ, ngành, thang điểm tối đa là 100 nhưng không có bộ, ngành nào đạt điểm số đó. Mức điểm chỉ nằm trong khoảng 40-60 điểm.
|
Bên cạnh “điểm sáng” xuất khẩu tăng 18% (phần lớn nằm ở DN có vốn đầu tư nước ngoài), các DN có vốn thuần túy trong nước vẫn đang gặp khó khăn. |
“Tuy nhiên, tôi cho rằng, quan điểm của các bộ bắt đầu có sự xung đột trong các văn bản. Đây là tín hiệu tốt. Nếu một chính sách, văn bản được đưa ra mà chỉ nhận được sự “gật đầu” giữa các bộ, ngành liên quan thì một là nó thể hiện sự đồng ý cao, nhưng nhiều khi chỉ là “ừ ừ” cho qua chuyện. Việc thể hiện quan điểm trái chiều của các Bộ, ngành đã thể hiện tính trách nhiệm cao của các bộ, ngành. Đó là đi tìm các mẫu số chung cho một văn bản, chính sách”, ông Huỳnh bày tỏ.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, mục tiêu của Nghị quyết 02 là để tháo gỡ khó khăn của DN và thị trường nhưng DN hiện khó tiếp cận vốn bởi lãi suất cao, gắn với nó là nợ xấu từ phía ngân hàng.
Liên quan đến hàng hóa tồn kho, ông Ánh nhìn nhận, năm 2012, tình trạng này đã xuất hiện và ngày càng nặng nề, bên cạnh “điểm sáng” xuất khẩu tăng 18% (phần lớn nằm ở DN có vốn đầu tư nước ngoài), các DN có vốn thuần túy trong nước vẫn đang gặp khó khăn. Đây mới là vấn đề cần xử lý để tháo gỡ khó khăn cho DN.
“Để giải quyết tồn kho, tiêu thụ, chúng ta sử dụng các biện pháp góp phần giúp DN giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho DN bán được hàng với mức rẻ hơn, đáp ứng được phần lớn nhu cầu trên thị trường”, ông Ánh nói.
Ông Ánh băn khoăn: “Mức 10% thuế GTGT trong năm nay liệu có giảm hay không? Thuế suất TNDN được đề xuất là 23%, một số kiến nghị nên đưa xuống 20%. Sau khi cân đối thu chi ngân sách, người ta cho rằng giỏi lắm chỉ đưa về được 23%. Dự kiến, từ 1/7 sẽ áp dụng mức thuế này song cũng có nhiều ý kiến cho rằng đến đầu 2014 mới áp dụng. Tôi cho rằng, chúng ta đang làm quá chậm. Chưa nhìn thấy hay nói đúng hơn là chưa “gãi” đúng chỗ ngứa, chỗ khó của DN”.
Cũng theo ông Ánh, không phải vô cớ người ta nói Nghị quyết 02 là để cứu BĐS. Chúng ta chọn 30.000 tỷ để cho vay đối với DN và người có nhu cầu mua BĐS gồm 2 loại nhà ở xã hội và nhà ở thương mại (giá dưới 15 triệu/m2, diện tích dưới 70m2, tổng trị giá dưới 1 tỷ đồng).
“Tôi cho rằng việc này làm hơi chậm vì Nghị quyết 02 ban hành ngày 7/1/2013, mà cho đến thời điểm này, gói 30.000 tỷ vẫn nằm trong dự thảo lần thứ 4. Vì vậy, giải pháp này dường như không giải quyết được vấn đề cơ bản của thị trường BĐS hiện nay”, ông Ánh bộc bạch.
“BĐS thấy ánh sáng cuối đường hầm”?
Theo chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, thị trường BĐS nhìn thấy nguồn ánh sáng cuối đường hầm. Trong 20 năm, chúng ta dùng đòn bẩy về tài chính quá mạnh bạo. Cách đây 20 năm, khi mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào hợp tác kinh doanh, nhiều đối tác trong nước chỉ lấy BĐS để góp vốn kinh doanh và trong 2 thập niên qua, hầu như phương cách kinh doanh này vẫn tiếp tục.
“Chúng ta đang đối diện với nợ xấu. Một trong những nguyên nhân của nợ xấu là người cho vay và người đi vay đã dùng BĐS để làm đòn bẩy trong hoạt động cho vay. Trong nhiều trường hợp, bất động sản được đánh giá quá cao để ngân hàng cho vay ra và người đi vay nhận được tiền”, ông Trí nhìn nhận.
|
Bà Hoa nhận định: "Giá BĐS Việt Nam ảo trong thời gian lâu rồi cho nên cần đưa về giá thật”. |
Nói về các định hướng giải pháp, bà Lê Kim Hoa, Phó Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, những giải pháp như rót tiền để giải cứu các doanh nghiệp BĐS, hạ lãi suất vay cho doanh nghiệp và có những chính sách ưu đãi về lãi suất cho người dân thu nhập thấp vay mua nhà chỉ là những giải pháp tạm thời, bởi thị trường BĐS Việt Nam, đặc biệt là giá nhà và chung cư ảo quá lâu rồi. Nếu giải cứu thì cũng chỉ giải cứu được vài doanh nghiệp chứ không thể giải cứu hết được.
“Khi nhà nước tiếp tục in tiền giải cứu sẽ dẫn đến lạm phát tăng cao, ảnh hưởng lớn đến người dân. Chính vì vậy, việc phục hồi thị trường BĐS rất cần có thời gian, cơ hội. Bên cạnh đó, vấn đề phục hồi hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố: Mức tăng trưởng thu nhập trung bình của người dân, chỉ số lạm phát… Hơn nữa, giá BĐS Việt Nam ảo trong thời gian lâu rồi cho nên cần đưa về giá thật”, bà Hoa nhận định.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Hoa cho rằng, đang có 2 luồng ý kiến khác nhau là giải cứu hay để thị trường rơi tự do?. Và cả hai đều có những ưu nhược điểm riêng. Vấn đề đặt ra là khi nào giá BĐS mới xuống gần sát nhất mức thu nhập của người dân?. Việc hỗ trợ lãi suất cho người thu nhập thấp, liệu người thu nhập thấp tại Việt Nam có tiền mua nhà ở thời điểm hiện tại nếu BĐS rơi xuống mức 10 triệu đồng không? .
“Tôi thấy giá vẫn cao và chưa chắc người dân đã mua được. Mà nếu có mua cũng không lấp đầy hết lượng hàng tồn kho đang tồn tại. Vấn đề là cần kéo dài thời gian vay ngân hàng với lãi suất thấp, đồng thời mở rộng đối tượng cho vay. Chúng ta cần trông chờ vào một gói giải pháp mới”, bà Hoa bày tỏ.
Nhà nước đã và đang đưa ra những giải pháp để giải quyết ba vấn đề nguồn nhân lực, thể chế, cơ sở hạ tầng. Trong năm 2013, nhà nước đang tập trung mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước… Với những việc Chính phủ đã và đang làm, tin rằng có thể năm 2013, tình hình kinh tế còn khó khăn nhưng đã có những bước đi chắc chắn.
Quốc Huy