Doanh nghiệp lạc quan tăng trưởng

(PLO) - Những cải thiện từ môi trường đầu tư, kinh doanh và thủ tục chính sách thuận lợi khiến cộng đồng doanh nghiệp lạc quan với thị trường và mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay. 
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong quý 1/2018. Ảnh minh họa
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong quý 1/2018. Ảnh minh họa

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam tăng trưởng và thịnh vượng năm 2018, được tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế và DN đều thừa nhận, những đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh đã tạo nền tảng cho đổi mới sáng tạo. Nhờ vậy, Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất và thịnh vượng đã đạt được kết quả kinh doanh rất tích cực. 

Môi trường đầu tư đã cải thiện

Năm 2017 được coi là “năm của bứt phá” của những chỉ số kinh tế khi tăng trưởng GDP đạt 6,81%, mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt được gần 36 tỉ USD, vốn giải ngân đạt 17 tỉ USD; số lượng DN thành lập mới nâng lên tới con số 126.859 DN; kim ngạch xuất nhập khẩu chạm ngưỡng 400 tỉ USD; đặc biệt lạm phát giữ ở mức 3,53% - mức thấp hơn mục tiêu đã đề ra. 

Rất nhiều ngành sản xuất kinh doanh đã đạt tăng trưởng cao như vận tải, kho bãi và dịch vụ ăn uống lưu trú có tốc độ tăng trưởng khoảng 8 - 9%/năm; Thủy sản và chế biến gỗ có tốc độ tăng từ 5 - 6%/năm; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13 - 17%/năm; Năng lượng tăng trên 9%/năm. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp đem lại tổng giá trị đạt 33,7 tỉ USD trong năm 2017, con số này tăng gấp ba lần so với 10 năm trước...  

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng, những chính sách, nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, đổi mới DN nhà nước, hỗ trợ DN nhỏ và vừa, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng… cũng đã đi vào thực tiễn, góp phần quan trọng cho sự phát triển của bức tranh kinh tế Việt Nam. Việt Nam đã tăng 14 bậc về môi trường kinh doanh, 5 bậc về năng lực cạnh tranh và 12 bậc về đổi mới sáng tạo toàn cầu. 

Đại diện cho nhiều DN tăng trưởng thịnh vượng, ông Ngô Thanh Phong - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng FDC cho biết, nhờ những cải cách về môi trường kinh doanh và hoàn thiện thể chế, giấy phép con đã giảm mạnh, cùng với đó, lãi suất tín dụng giảm, tỷ giá ổn định… đã tạo môi trường thuận lợi cho các DN phát triển.  Điều này phản ánh nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế, của Chính phủ thời gian qua. 

2 nhóm đối thủ “kiêng dè” 

Nhận định về kinh tế 2018 các DN đều thể hiện sự lạc quan, sẽ đạt kết quả tăng trưởng cao. Kết quả khảo sát cho thấy hơn 70% doanh nghiệp phản hồi sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong năm nay.  

Các DN đánh giá tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực là yếu tố đóng góp nhiều nhất đến tốc độ tăng trưởng của DN trong giai đoạn vừa qua. Tiềm năng của thị trường trong nước và khu vực, cùng với những cải thiện từ môi trường đầu tư, kinh doanh và thủ tục chính sách và việc mở rộng thị trường vốn có, các dòng sản phẩm mới, phát triển các phân khúc thị trường mới cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho các DN trong thời gian tới. 

Các DN nhấn mạnh đến tăng năng suất lao động, cắt giảm chi phí, để tiến đến sự phát triển bền vững. “Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu áp dụng những công nghệ mới trong xây dựng. Nếu thành công sẽ giúp tăng năng suất hơn hẳn. Khi đó, chỉ cần 1 lao động thay cho 4 lao động hiện nay” - ông Nguyễn Xuân Thu - Phó TGĐ Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta cho biết. 

Tăng năng suất được các DN coi là chiến lược quan trọng để phát triển trong giai đoạn mới. Nhiều chuyên gia nói để làm được phải không ngừng sáng tạo và đổi mới từ quản lý đến ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Đóng vai trò là những “đầu tàu” của nền kinh tế, các DN tăng trưởng nhanh nhất cho biết, sẵn sàng đón nhận thách thức và nắm bắt cơ hội. Trong đó, có hai lựa chọn được hướng tới nhiều nhất là tìm kiếm thị trường mới và thực hiện các dự án liên doanh, liên kết. Ngoài ra, sẽ chi nguồn vốn đầu tư cho các start-up có triển vọng. 

Nhận định về những rào cản đối với quá trình phát triển, nhiều DN phàn nàn có 3 rào cản bên ngoài lớn nhất ảnh hưởng đến tăng trưởng là chi phí đầu vào tăng; Sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh và vấn đề về thủ tục hành chính. Trong đó, các DN đặc biệt quan tâm đến chi phí đầu vào, chủ yếu do giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và cạnh tranh ngày càng gia tăng trong các ngành kinh doanh. 

Nhiều chuyên gia nhận định năm 2018 là năm sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt đối với hàng loạt ngành nghề do dư địa thị trường trong nước thu hút các DN ngoại. Đồng thời, xu hướng trong thời gian tới sẽ là sự liên kết giữa các DN lớn nhằm tạo nên giá trị cộng hưởng. Chính vì vậy, các DN cho rằng 2 nhóm đối thủ cạnh tranh lớn nhất phải “kiêng dè” trong năm nay là các DN nội địa lớn đứng đầu và các tập đoàn quốc gia từ các nước phát triển đang tích cực gia nhập thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính và các vấn đề về thuế vẫn là mối bận tâm trong giai đoạn hiện nay. Hơn 50% DN đánh giá thủ tục hành chính tại Việt Nam ở mức trung bình và gần 5% DN đánh giá mảng này ở mức kém.

Các DN vẫn tiếp tục khẳng định việc đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính. Đây là sự hỗ trợ không thể thiếu, giúp DN phát triển trong năm 2018. Nhiều DN phản hồi mong muốn Chính phủ đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, đánh giá năng lực cán bộ; kết hợp với cắt giảm đầu tư công; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và tái cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty lớn trong thời gian tới. 

Đọc thêm