Doanh nghiệp loay hoay tìm lối thoát sau đại dịch

(PLVN) - Mặc dù Việt Nam bước đầu đã khống chế được dịch Covid-19 nhưng trên thế giới dịch vẫn diễn biến khó lường, Sức chịu đựng của doanh nghiệp cũng sắp đến giới hạn. Câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp lúc này là làm gì để tồn tại?
Các chuyên gia và DN nghiệp ngồi lại với nhau tìm cách tháo gỡ khó khăn hậu Covid-19.
Các chuyên gia và DN nghiệp ngồi lại với nhau tìm cách tháo gỡ khó khăn hậu Covid-19.

Vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN): “Lựa chọn nào thời hậu Covid?” do Tạp chí Diễn đàn DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm 2/7.

Cuộc khủng hoảng cung và cầu

Nói về mức độ của cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng Covid-19 là cuộc khủng hoảng và tác động cả cung và cầu. Về phía cung, các DN, nhất là dệt may da giày mất ngay nguồn cung trong những tháng đầu tiên của dịch bệnh. Về phía cầu, nhu cầu rất yếu.

Chuyên gia này dẫn dự báo tăng trưởng của một số tổ chức quốc tế, như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng kinh tế toàn cầu thiệt hại từ 5,8-8,8 nghìn tỷ USD tương đương 6,4-9,7% GDP toàn cầu. Theo Quỹ tiền tệ châu Á (IMF), Việt Nam được dự báo tăng trưởng 2,7%. Trên thế giới tăng trưởng được dự báo xấu hơn rất nhiều ở mức -4,9%, thậm chí WB dự báo thế giới năm nay tăng trưởng -5,2%.

 "Như vậy có thể thấy tác động của đại dịch lên nền kinh tế toàn cầu rất ghê gớm" - TS Lực nói - "Còn nhớ cuộc khủng hoảng 2008-2009 nền kinh tế thế giới tăng trưởng -1,7%, hiện nay lên tới -5,2%. Rõ ràng đại dịch đã ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều".

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, hiện tại các DN dệt may đang tương đối khó khăn. “Trong những tháng đầu qúy 1 ngành dệt may đã tăng trưởng âm hơn 2%; trong 4 tháng đầu năm thì âm khoảng 4,7%, đến 5 tháng thì âm khoảng 14,6; 6 tháng thì âm 16,67%. Mỗi tháng trôi qua, tăng trưởng của ngành lại càng âm và con số này chưa biết đến bao giờ mới dừng lại…” - ông Cẩm bày tỏ sự sốt ruột.

Đại diện Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), bà  Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, cho biết, tổng cầu ngành da giày đã bị tác động từ lúc mới bùng dịch Covid-19, đối với các DN lớn họ cũng đã đã giảm 50% đơn hàng. “Mặc dù đến nay, tổng quan các DN gia công da giày vẫn có số lượng đơn hàng để cầm cự, tuy nhiên, một thực trạng là DN lớn nhất thì đã phải cắt giảm 30% nhân công, thậm chí có DN giảm đến 70% nhân công…” - bà Xuân thông tin.

Đại diện Lefaso cũng cho rằng giải pháp để phục hồi thị trường rất khó trả lời. “Nếu như từ nay đến tháng 10 có thể xử lý được dịch Covid-19 thì DN vẫn có thể cầm cự. Nhưng nếu tình hình tệ hơn, dịch bệnh kéo dài đến năm sau thì Nhà nước phải có phương án để giải quyết, đồng hành cùng DN ứng phó khi DN không cầm cự…” - đại diện Lefaso đề nghị.

Doanh nghiệp phải tự cứu mình

“Nếu như lúc này DN tìm đến chúng tôi để đề nghị tư vấn, đáng ra chúng tôi rất mừng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, không ai hiểu DN bằng chính DN” - ông Hoàng Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc ty Kiểm toán PwC Việt Nam, đưa ra lời khuyên.

Theo ông Hùng, khủng hoảng Covid-19 đã thay đổi nhiều khái niệm cũng như mô hình về chi phí. Một số chi phí từng được các nhà lãnh đạo cho là cố định thì nay lại là chi phí biến đổi, ví dụ chi phí thuê văn phòng. Trong khi đó, một số năng lực vốn được xem như kiến tạo khác biệt thì giờ đây đã trở thành điều kiện tối thiểu trong vận hành DN, ví dụ tự động hóa và công nghệ giúp phối hợp làm việc.

Và trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái ‘bình thường mới’, các lãnh đạo DN phải tiếp tục cân bằng chiến lược cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới DN, đồng thời chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng. “Để chuẩn bị cho những khủng hoảng trong tương lai, đây chính là thời điểm thích hợp để xem xét lại các lĩnh vực DN ưu tiên, tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị và đào tạo nhân viên theo cách vận hành mới” – ông Hùng gợi mở.

Theo TS Võ Trí Thành, đây là lúc DN cần định hình lại phương thức sản xuất kinh doanh, chú trọng thông tin, dịch vụ gắn với xử lý dữ liệu và kết nối để thông minh hóa nhà quản trị, quy trình sản xuất và tối ưu hóa chuỗi giá trị, chuyển đổi số từng bước. DN cũng cần lưu ý lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, những ngành nghề có lợi thế so sánh truyền thống, lĩnh vực phục vụ, hỗ trợ mạng sản xuất, chuỗi giá trị, kết cấu hạ tầng và bất động sản, những ngành/lĩnh vực mới nổi.

“Và cuối cùng, để quản trị sự bất định và rủi ro, DN cần học hỏi, chuẩn bị, sử dụng các công cụ phong chống rủi ro biến động giá, tận dụng bảo hiểm, tăng nhận thức pháp lý, thu nhập, phân tích thông tin, đánh giá rủi ro, dành nguồn lực tốt nhất có thể…” - chuyên gia này đưa ra lời khuyên.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, trong bối cảnh hiện nay, xu hướng chuyển dịch của ngành nghề quay trở lại giá trị cơ bản, tạo nên tính đột phá, trở về với nền nông nghiệp, nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Mặt khác, công nghệ sẽ tác động tới lao động trong nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có dệt may, giày da, do đó, cần phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, về thể chế, nguồn nhân lực…, đặc biệt, là đẩy  mạnh ngành công nghiệp phụ trợ, tiếp nhận nền công nghiệp chuyển dịch sang Việt Nam. 

“Sự tác động của Covid-19 buộc chúng ta phải nhanh hơn trong công tác chuẩn bị. hiện nay, điều chúng ta đang cần đó là sự phát triển kết hợp, hài hòa với thiên nhiên, chiến lược phát triển bền vững. Chúng ta đang rất chậm trong công đoạn này. Cần phải phân định ra các bước cho các DN từ nhỏ đến lớn theo hướng phát triển bền vững” – TS Lộc đưa ra lời khuyên…

Đọc thêm