Doanh nghiệp lữ hành vẫn chuẩn bị phương án đón khách Trung Quốc trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc Trung Quốc mở cửa du lịch với nhiều thị trường ASEAN nhưng không có Việt Nam, khiến các doanh nghiệp lữ hành lo lắng, ảnh hưởng tới doanh thu và mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch trong năm 2023 của ngành du lịch khó đạt được. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch, sẵn sàng chủ động phương án, sản phẩm du lịch để đón khách trở lại.
Doanh nghiệp lữ hành lên kế hoạch sẵn sàng, chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ đón khách Trung Quốc trở lại.
Doanh nghiệp lữ hành lên kế hoạch sẵn sàng, chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ đón khách Trung Quốc trở lại.

Theo thông báo của Cục Xuất nhập cảnh Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 6/2/2023, các công ty du lịch outbound, công ty du lịch trực tuyến sẽ được nối lại thí điểm các tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài và kinh doanh vé máy bay, vé khách sạn cho công dân Trung Quốc đến 20 quốc gia bao gồm: Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Maldives, Sri Lanka, Philippines, Malaysia, Singapore, Lào, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Kenya, Nam Phi, Nga, Thụy Sĩ, Hungary, New Zealand, Fiji, Cuba và Argentina.

Trong số đó, không có Việt Nam, Nhật Bản, hay một số nước trong khối EU (Liên minh châu Âu).

Sau thông báo từ phía Trung Quốc, các doanh nghiệp lữ hành bộc lộ sự thất vọng, lo ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch trong năm 2023 của ngành du lịch cũng khó có thể đạt được.

Thị trường Trung Quốc vốn là thị trường quan trọng. Trong giai đoạn 2015-2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 3,3 lần, tăng bình quân 34,4% mỗi năm. Năm 2019, Trung Quốc vẫn là dòng khách du lịch lớn nhất với 5,8 triệu lượt. Đối với Việt Nam, thị trường khách Trung Quốc luôn chiếm tỉ lệ 28-30% trong tổng lượng khách quốc tế đến. Việc không thể nối lại thị trường du lịch này trong 3 năm Trung Quốc thực hiện kế hoạch "Zero Covid" khiến doanh nghiệp mất đi số lượng lớn khách quốc tế. Song, đứng trước những khó khăn này, các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng tận dụng thời gian để lên kế hoạch, sẵn sàng đón khách ngay sau khi Trung Quốc “mở cửa” lại cho Việt Nam.

Hiện, các doanh nghiệp lữ hành đã phối hợp với các hãng hàng không chuẩn bị sẵn sàng các đường bay, sản phẩm du lịch, phòng khách sạn... để đón khách du lịch Trung Quốc trở lại.

Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Lê Hồng Thái – Phó Tổng Giám đốc HaNoiTourist cho biết, hiện Trung Quốc vẫn chưa có chính sách cấp lại visa du lịch cho khách Việt Nam và ở chiều ngược lại, nước này chỉ mới thí điểm cho công dân du lịch theo đoàn đến 20 nước, không bao gồm Việt Nam đã khiến ngành du lịch trong nước bị ảnh hưởng vì khó có thể đạt được mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế mà nước ta đặt ra cho năm nay. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, vì Trung Quốc là thị trường du lịch lâu năm và chiếm tới 50% sản lượng khách du lịch tại các doanh nghiệp.

Mặc dù HaNoiTourist đã lên kế hoạch, đẩy mạnh một số tour, thị trường du lịch khác như Ấn Độ, các tour du lịch tâm linh để lấp chỗ trống cho thị trường Trung Quốc, tuy nhiên, không có các đoàn khách Trung Quốc khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, nguy cơ sụt giảm doanh thu tới 40% trong năm 2023.

Theo ông Lê Hồng Thái, trong khi chờ đợi thông tin từ phía chính quyền Trung Quốc về việc cấp lại visa du lịch cho khách Việt, doanh nghiệp này đã lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng để đón khách Trung Quốc trở lại.

“Khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ dẫn Đoàn du lịch của họ khảo sát lại các điểm du lịch như Đà Lạt, Sapa, Phú Quốc ... (những điểm du lịch thu hút du khách Trung Quốc) để họ đánh giá lại nhu cầu, thói quen du lịch của người dân Trung Quốc để điều chỉnh, sắp xếp, làm mới lại các sản phẩm của mình.

Đối với lượng khách Việt sang thị trường Trung Quốc, chúng tôi cũng đã làm việc với các hãng hàng không chuẩn bị đường bay cho dịp 30/4-1/5, với các gói ưu đãi về mức giá, tập trung khai thác các điểm du lịch chủ chốt như tới Thành Đô, Thượng Hải, Bắc Kinh, Trương Gia Giới...Theo tôi thị trường du lịch Việt sẽ “ấm”dần trở lại từ 30/4-1/5” - ông Lê Hồng Thái nói.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel chia sẻ, sau khi Trung Quốc mở cửa với nhiều thị trường ASEAN nhưng không có Việt Nam, công ty đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình. Vietravel dự kiến khách Trung Quốc sẽ chiếm đến 60% lượng khách inbound (đưa khách vào Việt Nam). Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, đơn vị này đã điều chỉnh con số còn 30-35%.

Các doanh nghiệp đều đang kỳ vọng về phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những chính sách kịp thời, phù hợp và xúc tiến sớm trao đổi với đại diện Trung Quốc để có thể đón khách Trung Quốc trở lại vào quý II/2023.

Được biết, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, kiến nghị việc sớm đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thí điểm du lịch theo đoàn.

Quyết định này không chỉ có ý nghĩa với ngành du lịch nước ta mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cả Trung Quốc khôi phục và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Các bên đều khẳng thị trường Trung Quốc vẫn được xem là tiềm năng và góp phần quan trọng vào mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023.