Doanh nghiệp ngành Dầu khí: Ứng phó với dịch trên bờ lẫn ngoài khơi

(PLVN) - Không chỉ với các đơn vị sản xuất kinh doanh hoạt động trên đất liền, người lao động hoạt động tại các công trình dầu khí ngoài khơi cũng phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo mọi hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ảnh hưởng.  
Người lao động được kiểm tra thân nhiệt, giấy tờ tùy thân... trước khi vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Người lao động được kiểm tra thân nhiệt, giấy tờ tùy thân... trước khi vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Ông Lê Xuân Huyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, các đơn vị trong toàn tập đoàn đã tuân thủ nghiêm theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng về phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt với từng đơn vị có hoạt động  đặc thù thì sẽ có thêm những biện pháp tăng cường. Cụ thể, đối với các lĩnh vực hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao như trong quá trình bảo dưỡng tổng thể, sẽ phải nâng công tác kiểm soát dịch bệnh lên một cấp độ; có phương án kiểm soát dịch, cách ly, tránh lây nhiễm chéo… trên công trường.  

Từ đầu tháng 8/2020, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã kích hoạt lại hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 trên các công trình biển, cũng như trên bờ, phát huy những kinh nghiệm đã triển khai trong giai đoạn trước. Đến nay, Vietsovpetro đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào.

Còn tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo) đã nhanh chóng gửi thông tin cập nhật tới toàn thể cán bộ công nhân viên (CBCNV) Tổng công ty, ban hành Chỉ thị và triển khai nhiều biện pháp phòng chống nhằm kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo sức khỏe của người lao động, duy trì liên tục hoạt động sản xuất kinh doanh của PVFCCo. 

Ngoài ra, để chủ động hơn, Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) còn chủ động triển khai việc xây dựng các kịch bản ứng phó với diễn biến của dịch bệnh, thị trường… nhằm giảm thiểu tác động của bệnh dịch tới an toàn, hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị; đồng thời chủ động rà soát kế hoạch huy động chuyên gia nước ngoài trong thời gian tới phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhận định được sự phức tạp của làn sóng dịch bệnh thứ 2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) cũng đã tiến hành ngay lập tức các biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể, BSR chuẩn bị bước vào chiến dịch Bảo dưỡng tổng thể (BDTT) lần 4 Nhà máy lọc dầu Dung Quất 51 ngày, đêm trong bối cảnh này cũng gặp không ít khó khăn. 

Từ việc mua sắm trang thiết bị, huy động chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam tình hình hiện nay đều khá trở ngại do đang phải hạn chế nhập cảnh và phải cách ly khi nhập cảnh theo quy định phòng chống dịch… Tuy nhiên, được sự hỗ trợ từ PVN và các ngành chức năng, đến nay, BSR cơ bản đã hoàn thành và sẵn sàng cho công tác BDTT quan trọng lần này. 

Tính đến nay, đã qua 10 ngày kể từ thời điểm dịch quay trở lại và bùng phát ở Đà Nẵng, công tác chống dịch Covid-19 tại BSR đang diễn ra khá hiệu quả, đảm bảo an toàn cho nhân sự BSR và nhà thầu làm việc tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Hiện, hàng ngày vẫn có khoảng hơn 1.000 nhân sự là nhà thầu ra vào nhà máy này để thực hiện công tác chuẩn bị cho BDTT cung cấp suất ăn, vệ sinh công nghiệp…

Ngoài ra, còn có khoảng hơn 1.200 lượt người lao động của BSR ra, vào Nhà máy mỗi ngày để làm việc. Vì thế, BSR yêu cầu nghiêm ngặt việc tất cả các nhân sự phải khai báo y tế, kiểm tra hiệu lực thẻ ra/vào, cấp quyền ra/vào, đo thân nhiệt, sát khuẩn… trước khi vào làm việc bên trong Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Các đơn vị như Tổng công ty khí Việt Nam (PV GAS) cũng được yêu cầu rà soát, chuẩn bị các phương án, trang thiết bị y tế, hậu cần để ứng phó  với dịch theo các quy trình, phương án đã được phê duyệt. Các trường hợp liên quan đến vùng dịch được sắp xếp làm việc từ xa để theo dõi sức khỏe và đảm bảo an toàn cho toàn thể người lao động.

Đọc thêm