Góp ý về Dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi), ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) phát biểu: Sửa đổi luật này không chỉ xuất phát từ thực tiễn hoạt động của DN mà còn phải thống nhất với Hiến pháp để bảo đảm bình đẳng các doanh nghiệp trong kinh doanh. Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo không nhất thiết là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giữ vai trò chủ đạo."
Với quan điểm rõ ràng như vậy, nên việc Dự thảo Luật Doanh nghiệp quy định hẳn một chương riêng về DNNN và Doanh nghiệp xã hội, theo đại biểu Thông là không cần thiết. "Quy định như vậy là không phù hợp theo tinh thần của Hiến pháp. Cần cân nhắc về vấn đề này, tránh tạo tâm lý khiến các DN có hình thức sở hữu khác cảm thấy không bình đẳng trong kinh tế thị trường." - ông nói.
Cũng dẫn chiếu Hiến pháp ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), khẳng định các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh. Vì thế, điều này phải được thể hiện rõ ràng trong luật.
Chung quan điểm này, ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa): cho rằng DNXH hay DNNN chỉ khác nhau về hình thức sở hữu. Đề nghị loại bỏ hai chương này để đảm bảo cho luật DN là sân chơi bình đẳng.
Về khái niệm DN xã hội, ĐB Lê Minh Thông đề nghị cần xem xét lại. “Trong cơ chế thị trường, việc kinh doanh phi lợi nhuận là tù mù. Phi lợi nhuận là thế nào? Nếu không quy định rõ, sẽ dễ dẫn đến tình trạng chuyển đổi sang mô hình DN xã hội để hưởng lợi. Khả năng lạm dụng là lớn. Khi lãi thì chia, vậy khi lỗ thì sao? Đề nghị cần cân nhắc về loại hình DNNN và DN xã hội để tạo nên mặt bằng pháp lý bình đẳng trong kinh thị trường” – ĐB tỉnh Thanh Hóa thẳng thắn nói.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) tỏ ý băn khoăn khi trong quy định về đối tượng điều chỉnh của luật không đề cập đến DNNN và DNXH, nhưng sau đó lại thiết kế một cách hết sức cụ thể về hai loại hình này.
Liên quan đến DNNN, các đại biểu cũng đề nghị phải nghiêm túc nhìn nhận lại mô hình này : “Chúng ta chưa có tổng kết trong những năm vừa qua DNNN làm ăn như thế nào. Nhiều DNNN thất thoát vốn, tài sản, và thất thoát cả con người -đó là thực tế không thể phủ nhận. Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh cổ phần hóa, tức là Nhà nước không muốn lắm giữ một số loại hình DN nữa. Theo tôi, Dự luật còn chưa rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan chủ quản, đặc biệt là việc bảo toàn vốn, chăm lo đời sống người lao động. Chúng ta nên thiết kế thế nào đó để các DNNN phát huy được chức năng tránh để thất thoát vốn, thất thoát cán bộ.
ĐB Đinh La Thăng hy vọng Dự luật sẽ khắc phúc được khiếm khuyến của DNNN |
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị quản lý vốn Nhà nước tại các DN cần phải có các quy định rất cụ thể để phát huy được hiệu quả nguồn vốn, phải có chế tài để quy định về người đứng đầu để xảy ra hậu quả thì có căn cứ truy trách nhiệm. Đồng thời cần có cơ quan tăng cường giám sát về việc sử dụng vốn Nhà nước ở các DN này.
ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng đây là cơ hội để đổi mới. Cần tách chức năng quản lý Nhà nước khỏi DN, chuyển các DN ra khỏi bộ phận ngành. Theo ông, nên có một cơ quan chủ quan chuyên quản lý các DNNN.
Không chung quan điểm này, ĐB Đinh La Thăng phát biểu: Nên có hay không một cơ quan quản lý chuyên về DN? Mỗi một nền kinh tế có một đặc thù khác nhau. Phải có cơ quan đầu mối để quản lý phần vốn. Hiện nay phần vốn đó đang giao cho bộ quản lý chuyên ngành, theo tôi như vậy là phù hợp. Còn nếu thành lập một cơ quan quản lý để thay các bộ thì có quản được không? Từng bộ một quản lý chuyên sâu còn chưa quản được thì một bộ quản lý chung cho tất cả các loại hình thì hiệu quả sẽ ra sao?
ĐB Đinh La Thăng cũng hy vọng khi hai dự thảo này có hiệu lực, sẽ khắc phục được nhiều khiếm khuyết hiện nay của DNNN, để cho loại hình này hoạt động thực sự hiệu quả
Chiều nay, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật công chứng (sửa đổi).Sau đó, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật công chứng (sửa đổi).