Trong Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN vừa ban hành, Chính phủ đã chính thức cho phép các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN được thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của DN sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.
Đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể giao các ngân hàng thương mại nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện chủ sở hữu.
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được giao xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty 100% vốn nhà nước vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng sau khi đã thực hiện các biện pháp nêu tại nghị quyết này mà thoái vốn không thành công và các lĩnh vực khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Các tập đoàn, tổng công ty, DNNN căn cứ vào tiêu chí phân loại DNNN và vai trò của tập đoàn, tổng công ty đối với phát triển của ngành để xác định tỷ lệ cần duy trì nắm giữ vốn nhà nước nhưng tối đa không quá 65% vốn điều lệ. Trong khi Tập đoàn Bảo Việt, các ngân hàng thương mại cổ phần duy trì tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ ở mức không thấp hơn 65% vốn điều lệ thì Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) được bán quá 35% vốn nhà nước ra bên ngoài.
Trên thực tế, tại Vietinbank, Nhà nước đang chiếm 64,5% vốn điều lệ, Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU) nắm 19,73% vốn. Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), vốn nhà nước đang chiếm tỷ lệ 77,11% và một cổ đông đối tác chiến lược là Ngân hàng Mizuho sở hữu 15% vốn điều lệ. Trong khi đó, ở Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - “ông lớn” quốc doanh mới nhất vừa niêm yết trên sàn chứng khoán - có tới 95,76% vốn nhà nước.
Thời gian qua, cùng với khủng hoảng kinh tế, thị trường chứng khoán ảm đạm, tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa của các DNNN cũng gần như ngưng trệ, bởi các DNNN một mặt bị hối thúc đảm bảo tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, mặt khác lại không được làm mất vốn nhà nước mà DN đang quản lý. Mà, để bán được cổ phiếu không dưới mệnh giá, không dưới giá trị sổ sách là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với nhiều DN.
Cách đây chưa lâu, việc Vietnam Airlines thoái được khoản vốn đầu tư ở Techcombank đã khiến nhiều DNNN “thèm thuồng”. Trong số gần 370 tỷ đồng thu được, 184,4 tỷ được ghi vào “giá trị ghi sổ kế toán”. Tổng Công ty này còn phải tiếp tục thoái vốn ngoài ngành theo đề án tại 10 đầu mối, trong đó có Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh, Công ty Giao nhận kho vận hàng không, Công ty Cổ phần Cung ứng dịch vụ hàng không, France Telecom, Công ty Cổ phần Chứng khoán Hòa Bình, Công ty Cổ phần Bưu chính viễn thông Sài Gòn… để thu về khoảng 104 tỷ đồng trước 31/12/2015.
Hiện nay, nhiều tập đoàn, tổng công ty cũng đang ráo riết xây dựng đề án hoặc bắt tay vào thực hiện đề án để tái cơ cấu, tiến hành thoái vốn nhà nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa thoái xong 252 tỉ đồng vốn đầu tư tại ABBank thông qua việc chuyển nhượng 25,2 triệu cổ phiếu cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) và hiện còn nắm giữ 16,02% vốn điều lệ của ABBank (tương tương khoảng 76,8 triệu cổ phiếu), sẽ phải thoái trong thời gian tới. Ngoài ABBank, EVN còn có khoản đầu tư ngoài ngành vào chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm khoảng 1.100 tỉ đồng.