Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Không chỉ cần hỗ trợ bằng tiền

(PLO) - Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông khi trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo “chính sách hỗ trợ  doanh nghiệp nhỏ và vừa– Kinh nghiệm từ Nhật Bản” vừa được Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) tổ chức tuần qua.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông

Ông đánh giá như thế nào về những kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở nước ta?

- Ngay từ ngày đầu đất nước sau chiến tranh Nhật Bản đã có chính sách phát triển cho DNNVV với quan điểm xuyên suốt là “phát triển DNNVV là trụ cột, xương sống của nền kinh tế”. Vì thế, những kinh nghiệm mà các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ sẽ rất hữu ích để xây dựng, hoàn thiện các chính sách hỗ DNNVV của Việt Nam trong dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV mà chúng tôi đang chỉnh lý, hoàn thiện.

Qua kết quả khảo sát, nghiên cứu của Nhóm công tác hỗ trợ DNNVV thuộc Sáng kiến chung Việt – Nhật giai đoạn VI được công bố tại Hội thảo cho thấy, tất cả các nước, trong đó có Nhật Bản, các nước trong khu vực và cả những nước rất phát triển như G7 đều có chính sách hỗ trợ DNNVV vì đây là loại hình DN rất dễ bị tổn thương và là một cộng động DN chiếm số đông.

Như ở Nhật Bản, DNNVV chiếm 99,7% mà quy mô không lớn hơn các DNNVV của Việt Nam. Nhật Bản không có chính sách hỗ trợ cho DN lớn mà chỉ có chính sách hỗ trợ của DNNVV vì như các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ, đây là nơi có nhiều sáng tạo của con người, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. DNNVV của Nhật Bản đóng góp vào chuỗi phát triển rất lớn, nhưng phần quan trọng hơn nữa là tạo ra 70% công ăn việc làm cho xã hội.

Cách hỗ trợ của Nhật Bản cho DNNVV rất thiết thực, nhưng nguồn lực hỗ trợ rất lớn với hơn 20.000 nhân viên (thuộc Cục Hỗ trợ DNNVV, Bộ Công Thương) và cả nguồn lực tài chính. Tôi không có ý là rằng chúng ta phải đuổi theo cạnh tranh về mức độ hỗ trợ của Chính phủ ngang bằng với Nhật Bản vì nền kinh tế của chúng ta ở giai đoạn này nguồn lực có hạn. Tôi cho rằng, qua kinh nghiệm của Nhật Bản, nếu ta có cách tiếp cận, phương pháp đúng đắn và đi đúng bài bản, làm tốt, làm đúng thì trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp chúng ta vẫn có thể hỗ trợ phát triển DNNVV hiệu quả. Điều đó còn quan trọng hơn là số tiền chúng ta bỏ ra để hỗ trợ cho họ.

Nhật Bản rất quan tâm đến vấn đề hỗ trợ tài chính cho DNNVV. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

- Chính sách hỗ trợ tài chính cho DNNVV rất rõ ràng và đây cũng là phần quan trọng trong Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV của Việt Nam với các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính. Nhưng không nhất thiết phải cho họ tiền mà giúp cho họ về sổ sách, báo cáo, cung cấp những phần mềm đơn giản để ứng dụng luôn. Đồng thời thông qua các tổ chức, hiệp hội của họ để giúp cho DNNVV làm tốt phần quản trị tài chính, năng lực quản trị, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các nguồn vốn để phát triển.

Thực tế các ngân hàng rất e ngại cho DNNVV vay vốn. Theo ông, cần có giải pháp nào để khắc phục?

- DNNVV Việt Nam không có tài sản để thế chấp nên không thể tiếp cận được tài chính. Có rất nhiều cách để giúp DNNVV tiếp cận vốn nhưng nếu để như hiện nay không có luật, không có chính sách để Nhà nước, tổ chức xã hội cùng hỗ trợ cho DNNVV thì họ sẽ không bao giờ tiếp cận được với tín dụng. Cho nên, cần hướng tới mở ra tín chấp thông qua các hiệp hội. Hiện một số ngân hàng cũng đang nỗ lực tiếp cận DNNVV thông qua cách như bảo lãnh của các hiệp hội. Chúng tôi cũng đề xuất theo hướng đó. Nghĩa là, một nhóm người chơi với nhau, nếu cô vay mà không trả được thì tất cả chúng ta góp vào trả. Nếu làm như thế này thì mở ra các kênh, không chỉ vốn nhà nước và cả tư nhân cho các DNNVV

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm