Doanh nghiệp nhỏ và vừa mong được đồng hành, “gỡ vướng” về pháp lý

(PLVN) -  Hơn 70% “vấn đề” trong hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp đến từ vấn đề pháp lý. Doanh nghiệp luôn mong muốn có sự hỗ trợ pháp lý đúng lúc, sự đồng hành từ phía cơ quan quản lý để tháp gỡ những vướng mắc, hướng đến một môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả, công bằng.
Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc phát biểu định hướng Hội thảo
Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc phát biểu định hướng Hội thảo

Đó là nhiều ý kiến được đại diện các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và tỉnh thành lân cần chia sẻ tại Hội thảo về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 diễn ra sáng ngày 13/5 do Bộ Tư pháp tổ chức. Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Lê Vệ Quốc và Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc cho biết, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ có cơ sở pháp lý, đó là luật ra đời từ năm 2017, mà còn có cả cơ sở chính trị mà cụ thể là Nghị quyết số 41-NQ/TW. Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Về lâu dài, Nghị quyết số 41-NQ/TW đặt ra những yêu cầu để doanh nghiệp và Nhà nước được đồng hành cùng nhau trên con đường cùng phát triển kinh tế xã hội, xác định rất rõ lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp vừa là lợi ích quốc gia vừa là xuất phát điểm của kinh tế xã hội.

Theo Cục trưởng Lê Vệ Quốc, vấn đề hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu đối với cộng đồng doanh nghiệp bởi những rủi ro pháp lý vẫn luôn tồn tại khi doanh nghiệp tham gia thị trường. Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài.

Còn theo Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đã ban hành nhiều thể chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, rào cản hiện nay là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khi tiếp cận hệ thống pháp luật. Cạnh đó, các doanh nghiệp chưa tập trung phòng ngừa rủi ra về pháp lý, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của việc sử dụng quy định pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Nhiều chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận pháp luật cũng như đề xuất các giải pháp để hỗ trợ pháp lý hiệu quả hơn cho loại hình doanh nghiệp này.

Luật sư Hoàng Cao Sang, đại diện trung tâm pháp lý trọng tại Thái Bình Dương chia sẻ ý kiến, hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường chưa có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề pháp lý trong hoạt động kinh doanh, đa phần hoạt động theo thói quen, theo sự quen biiết và nhờ vả. Theo Luật sư Hoàng Cao Sang, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy và văn hóa chưa hay này, áp dụng triệt để ý thức pháp luật trong kinh doanh để phát triển và hội nhập quốc tế tốt nhất.

Về phần doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc về pháp lý trong quá trình hoạt động như việc thiếu các thông tin, thiếu các hướng dẫn cụ thể trong quá trình áp dụng pháp luật. Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất Nhập khẩu Đồng Nai đưa ra ý kiến, hiện nay, thống kê sơ bộ, hơn 70% vướng mắc của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh đầu tư liên quan đến pháp lý. Theo ông Hưng, hiện nay doanh nghiệp không mong muốn những hỗ trợ mang tính chất thông thường như trước đây nữa mà cần hướng dẫn có chiều sâu. Doanh nghiệp luôn mong muốn hoạt động một cách đúng hướng, hiệu quả, một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng. Mục tiêu của Hội thảo đáp ứng được những vấn đề mà doanh nghiệp đang rất cần thiết, mong mỏi.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất Nhập khẩu Đồng Nai đưa ra ý kiến tại hội thảo

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất Nhập khẩu Đồng Nai đưa ra ý kiến tại hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đưa ra nhiều kiến nghị như trong quá trình triển khai các chương trình hỗ trợ cần lựa chọn những vấn đề pháp lý nóng, ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng tới doanh nghiệp như: pháp luật về đất đai, tín dụng, thuế, chuyển đổi xanh... Cần có đội ngũ tư vấn viên pháp luật cho các khu vực, hỗ trợ về mặt pháp lý để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chương trình.

Ban tổ chức Hội thảo đã thông tin về việc thay đổi đơn vị phụ trách triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế sang Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.

Hội thảo đã lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024; nắm bắt nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp trong lĩnh vực hỗ trợ pháp lý, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó đưa ra các đề xuất về giải pháp có tính chất đột phá nhằm hoàn thiện chính sách trong thực hiện công tác này.

Đọc thêm