Theo người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước (KTNN), việc kiến nghị của cơ quan này về truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với Sabeco có thể xem như gián tiếp chỉ ra một “lỗ hổng” trong việc quản lý thuế TTĐB theo quy định hiện hành. Từ thực tế đó, KTNN đang muốn vươn dài “cánh tay” đến lĩnh vực đang rất “nóng” này.
Hành vi chuyển giá phức tạp, tinh vi
Tại Hội thảo “Chuyển giá - Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay” vừa diễn ra, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho hay, thời gian qua, KTNN đã thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và đã thu hồi hàng trăm nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước (NSNN). Trong đó, có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán. “Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu NSNN”, ông Phớc nói.
“Tuy nhiên, công tác kiểm toán chống chuyển giá chưa được xem xét và triển khai một cách rõ ràng để hoàn thiện quy định pháp luật, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến công tác quản lý về chuyển giá còn nhiều bất cập và hạn chế…”, ông Hồ Đức Phớc nêu thực trạng.
Dưới góc độ chuyên gia, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất trong công tác chống gian lận chuyển giá hiện nay chính là nhiều người làm công tác kiểm toán, nghiên cứu về lĩnh vực này vẫn hiểu một cách khá sơ sài, do bản chất hành vi chuyển giá rất phức tạp. Ngoài ra, hệ thống pháp lý về chuyển giá hiện nay vẫn chưa hoàn chỉnh cùng với thiết chế pháp lý chưa đủ mạnh khiến nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn lợi dụng chuyển giá…
Chuyên gia này cũng lưu ý, chuyển giá hiện nay không chỉ xuất hiện ở các tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI mà còn có dấu hiệu diễn ra ngay cả với doanh nghiệp trong nước.
PGS-TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam thì lưu ý, chuyển giá là hoạt động đương nhiên của doanh nghiệp và ông cũng cho rằng, không chỉ doanh nghiệp FDI chuyển giá mà cả DN trong nước cũng có hành vi này, vấn đề đặt ra là phải hiểu rõ bản chất chuyển giá là gì, cái cần phải chống là chống chuyển giá bất hợp pháp…
Kiểm toán Nhà nước đủ thẩm quyền?
Theo ông Trần Khánh Hòa - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN), hiện tượng chuyển giá ở Việt Nam hiện nay mặc dù đã được báo chí phản ánh khá nhiều, nhưng thật đáng tiếc là chưa có đủ bằng chứng để đưa ra công luận một trường hợp nào đối với doanh nghiệp FDI để xử lý theo pháp luật theo đúng nghĩa mà vẫn đang là những vấn đề phức tạp và khó tiếp cận.
Trên cơ sở phân tích các số liệu, Thanh tra Chính phủ cho rằng “đó là biểu hiện của việc chuyển giá, nhưng do không xác minh được thông tin đầu ra đối với các doanh nghiệp nước ngoài nên cơ quan Thuế không đủ cơ sở để xem xét, xử lý”.
“Thực trạng chuyển giá đó, một mặt cho chúng ta thấy những tác động tiêu cực đến nền kinh tế nhưng qua đó cũng cho chúng ta thấy rõ hơn sự yếu kém từ trong nội bộ nền kinh tế, đây được coi là một “lỗ hổng” tài chính lớn của Việt Nam hiện nay…”, ông Hòa phát biểu và cho rằng KTNN thực hiện chức năng kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công, trong đó có hoạt động quản lý thuế đối với các doanh nghiệp FDI của cơ quan Thuế mà kiểm soát giá trị chuyển giao là một nội dung của công tác quản lý thuế.
“Kiểm toán việc quản lý giá trị chuyển giao hàng hóa dịch vụ giữa các doanh nghiệp liên kết là hoạt động kiểm toán nhằm đánh giá về công tác quản lý (của cơ quan Thuế) và phát hiện các hành vi và hậu quả chuyển giá để kiến nghị quản lý và xử lý. Như vậy, kiểm toán quản lý giá trị chuyển giao thuộc nhiệm vụ kiểm toán của KTNN”, ông Hòa khẳng định.
Tuy nhiên, không phải không có ý kiến khi cho rằng doanh nghiệp FDI không thuộc đối tượng của KTNN (Điều 9 Luật KTNN quy định “KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý sử dụng, tài chính công, tài sản công”), đại diện KTNN cho rằng, tuy các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI không phải là “đơn vị được kiểm toán (khách thể kiểm toán)” trực tiếp của hoạt động KTNN mà có vị trí là các tổ chức “có liên quan” đến hoạt động KTNN (Điều 11).
“Đây là một hạn chế của luật vì đối tượng của KTNN là hoạt động quản lý thuế, mà hiệu lực quản lý thuế được thể hiện ở mức độ tuân thủ pháp luật về thuế tại doanh nghiệp. Do vậy, cần xác định, mở rộng quyền hạn của KTNN và trách nhiệm của doanh nghiệp, của cơ quan Thuế để KTNN đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán quản lý thuế, trong đó có hoạt động quản lý giá trị chuyển giao của doanh nghiệp”, Vụ trưởng Trần Khánh Hòa đề nghị.
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp lý
“Theo giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam - TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (ảnh), khó khăn lớn nhất trong chống gian lận chuyển giá hiện nay là nhiều người làm công tác kiểm toán, nghiên cứu lĩnh vực này hiểu một cách khá sơ sài, do bản chất hành vi chuyển giá phức tạp. Ngoài ra, hệ thống pháp lý về chuyển giá hiện nay vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa đủ mạnh khiến nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn lợi dụng chuyển giá.