Doanh nghiệp siêu nhỏ: “Khó lớn” vì… ngại thay đổi

(PLO) - Nguồn lực mỏng, quản lý kiểu gia đình, ngại vay vốn đầu tư đổi mới công  nghệ, ít chịu khám phá mở rộng thị trường, lơ là cạnh tranh… nên con đường của các doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ vẫn luẩn quẩn. Điều đáng lo là số DN siêu nhỏ này lại đang chiếm tới gần 70% trong tổng số DN ở Việt Nam.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Số lượng ngày càng lớn

Tại Hội thảo “Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh (HKD) cá thể và DN siêu nhỏ” mới đây, ông Hoàng Trần Hậu – Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính cho biết, DN siêu nhỏ là DN có quy mô nhỏ bé về mặt vốn, lao động hay doanh thu. Ở Việt Nam, DN siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

Theo thống kê, tại Việt Nam ngoại trừ những DN siêu nhỏ, không thể không nhắc đến hơn 5,5 triệu HKD cá thể. Trong đó, có 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có hơn 2 triệu hộ đang sản xuất nhỏ lẻ, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10 triệu lao động. Cũng theo ông Hậu, trong nhiều năm tới, khối DN siêu nhỏ và HKD cá thể vẫn là một trong những “động cơ” chính cho nền kinh tế Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017, xét về tỷ trọng đóng góp trong GDP, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 43% GDP. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân đã thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội… Còn theo số liệu thống kê từ tổng điều tra kinh tế – xã hội năm 2017, số DN siêu nhỏ trong năm vừa qua tăng 65,5% so với năm trước, chiếm 74% tổng số DN ở Việt Nam. 

Riêng quý I/2018, cả nước có 26.785 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 278.489 tỷ đồng. Số DN đăng ký thành lập mới phần lớn là những DN có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 90% trên tổng số DN đăng ký mới. Quy mô của DN tư nhân còn nhỏ (98,6% số DN tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ. Đặc biệt, các DN tư nhân có quy mô siêu nhỏ (dưới 10 người) chiếm tới gần 70%, tỷ lệ DN quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%.

Khó phát triển vì tầm nhìn hạn hẹp

TS.Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, với số lượng lớn như vậy nhưng “sức khoẻ” của các DN siêu nhỏ lại không khoẻ. Vấn đề cần quan tâm là liệu họ có khả năng trụ vững rồi lớn lên thành DN nhỏ và vừa hay vẫn chỉ loay hoay ở dạng siêu nhỏ hoặc đuối quá thì thành lập một thời gian rồi… giải thể?

Thời gian đầu của nhiều DN siêu nhỏ là những HKD cá thể với kinh nghiệm mua đi, bán lại hàng hoá, sau đó có điều kiện thì đầu tư thêm vào sản xuất. Nhân sự của họ phần lớn là người trong gia đình. Thời gian đầu mới thành lập, nhiều DN siêu nhỏ hoạt động khá tốt và cũng có tầm nhìn chiến lược. Nhưng thời gian sau, có nhiều DN siêu nhỏ kiểu gia đình vẫn quen với cách làm cũ và ngại cách làm mới vì sợ đảo lộn trật tự trong hoạt động DN và thiếu niềm tin khi thay đổi.

“Điều đáng nói, nhiều DN siêu nhỏ thường có quan điểm bảo thủ rằng khi đầu tư là muốn có ngay doanh số, sớm có lợi nhuận. Trong khi đó, việc đầu tư là phải tính đến dài hạn, thời gian thu hồi lại khá lâu, chưa chắc bảo đảm sớm có lợi nhuận. Chính vì vậy, các DN siêu nhỏ kiểu gia đình thường không mạnh dạn đột phá”, lời ông Thành.

Với nguồn lực mỏng, vốn hạn hẹp nhưng có những DN siêu nhỏ lại không có thói quen vay vốn ngân hàng vì sợ thiếu nợ. Bên cạnh đó, nếu đáp ứng nhu cầu vay thì họ phải có bản kế hoạch, chiến lược, phương án sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của phía ngân hàng, rồi còn vấn đề công khai minh bạch sổ sách, chứng từ. Vì thế, việc vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, nâng tầm quy mô đối với các DN siêu nhỏ vẫn còn hạn chế lớn. 

“Kết quả là, các DN này rơi vào vòng luẩn quẩn vì tầm nhìn nhỏ nên cứ bé mãi. Không vay vốn nên DN siêu nhỏ không có công nghệ mới, phương tiện thiết bị cũ kỹ, quy trình làm việc cũng cũ, cộng thêm việc ít chịu khám phá thị trường mới, khách hàng mới. Trong khi đó, chính bản thân DN siêu nhỏ còn chủ quan không biết rằng DN mình đang chịu áp lực cạnh tranh dữ dội từ rất nhiều đối thủ tiềm tàng”, ông Thành phân tích.  

Để tăng cường hiệu quả hỗ trợ các HKD cá thể và DN siêu nhỏ, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có các ưu đãi thuế cụ thể hơn như đưa ra mức thuế suất phổ thông của DN vừa và nhỏ thấp hơn mức thuế suất phổ thông của các DN khác, áp dụng ưu đãi miễn, giảm thuế có thời hạn cho DN khởi nghiệp quy mô nhỏ, hay ưu đãi thuế thu nhập DN cho các DN mới thành lập chỉ áp dụng đối với các DN đầu tư vào ngành nghề thuộc lĩnh vực nhà nước thu hút đầu tư, chưa có ưu đãi thuế cho các DN vừa và nhỏ khởi nghiệp... 

Đọc thêm