Doanh nghiệp vẫn "mơ" tiếp cận vốn

Đa số các ngân hàng thương mại vẫn "lần khần" trước đề xuất hạ lãi suất cho vay. Một số ngân hàng thực hiện chủ trương này nhưng đổi lại, doanh nghiệp (DN) được phen "toát mồ hôi" với những yêu cầu vô cùng khắt khe để được nằm trong diện "ưu đãi".
Dù Ngân hàng Nhà nước đã kêu gọi khá lâu nhưng đa số các ngân hàng thương mại vẫn "lần khần" trước đề xuất hạ lãi suất cho vay. Một số ngân hàng thực hiện chủ trương này nhưng đổi lại, doanh nghiệp (DN) được phen "toát mồ hôi" với những yêu cầu vô cùng khắt khe để được nằm trong diện "ưu đãi". Câu chuyện chúng tôi ghi nhận ở huyện Giao Thủy (Nam Định) minh chứng cho điều này.
"Siết" điều kiện cho vay
Từ ngày 15/7/2012, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Giao Thủy hạ mức lãi suất cho vay từ 18 - 19%/năm xuống còn 13%/năm đối với DN khu vực các xã và 15%/năm với DN ở thị trấn, thị tứ. Theo đó, để được hưởng mức vay ưu đãi này, DN phải hội đủ các điều kiện như phải có tư cách pháp nhân, có khả năng tài chính, có tài sản thế chấp và quan trọng nhất là phải có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Đối chiếu với những tiêu chí này, rất ít DN trên địa bàn huyện Giao Thủy có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp. 
Doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng

Cũng vì có quá nhiều "cửa" phải qua nên quá trình xét duyệt cho vay nảy sinh nhiều chuyện éo le. Ví dụ, một số DN muốn vay vốn nhưng không có đủ tài sản thế chấp hoặc DN có tài sản đảm bảo nhưng lại không có dự án, phương án sản xuất kinh doanh… nên dù có làm ăn tốt đến mấy, cũng không tiếp cận được vốn. 

Ông Trần Văn Cử, Giám đốc Cty Sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Giao Thủy lý giải: "Hiện vật liệu xây dựng tiêu thụ chậm nên chúng tôi đang bị tồn kho, ứ đọng hàng rất nhiều. Không chỉ chúng tôi mà nhiều DN khác chỉ mong sản xuất cầm chừng với hy vọng vượt qua giai đoạn khó khăn này, như thế làm sao dám mở rộng quy mô sản xuất, làm sao "đẻ" được dự án. Khi không có dự án, đương nhiên không được ngân hàng cho vay tiền". 
Thực tế thấy, do có quá nhiều DN "đói" vốn sản xuất kinh doanh nên ngân hàng cũng đã có sự cảm thông nhất định bằng cách hạ lãi suất cho vay. Bà Phạm Thị Huệ, Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Giao Thủy chia sẻ: "Ngân hàng cũng nhận thấy khó khăn mà các DN đang phải đối mặt, nhưng nếu không thắt chặt điều kiện vay, chúng tôi e các DN sẽ đầu tư dàn trải, đầu tư theo phong trào và không kiểm soát được nguồn vốn. Khi rủi ro xảy ra, việc thu hồi vốn trở nên vô cùng khó khăn đối với chúng tôi".
Như cách nói của bà Huệ thì phía ngân hàng rất đáng được cảm thông bởi họ cũng là một DN. Khi huy động được vốn, đương nhiên ngân hàng cũng có nhu cầu cho vay nhằm sinh lợi, tuy nhiên "điểm đen" nợ xấu đã xuất hiện ở rất nhiều ngân hàng và thực tế này đang được các chuyên gia kinh tế cảnh báo ở mức cao. Ngân hàng dư tiền nhưng không cho vay được cũng là một bất cập.
Lãi suất hạ nhưng vẫn cao
Trong bối cảnh hiện nay, việc giảm lãi suất của ngân hàng được coi là động thái tích cực nhằm kích thích nền kinh tế. Ngoài ra, biện pháp này còn được coi là phương án hài hòa lợi ích cho cả DN và ngân hàng, bởi có tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp DN tồn tại và phát triển thì ngân hàng mới có hy vọng thu hồi nợ. 
Song, đa số DN cho rằng, mức lãi suất như hiện nay vẫn quá cao, bởi các DN đang đối mặt với quá nhiều khó khăn như sức mua giảm, chi phí đầu vào tăng, lượng hàng hóa tồn kho lớn và kéo dài…; DN có khả năng trả được mức lãi suất 15%/năm phải là đơn vị có lợi nhuận từ 30% trở lên. Mức lợi nhuận 30% là rất khó khả thi với hầu hết DN, do vậy, nhiều DN đề nghị mức lãi suất nên dưới 10%/năm. 
Ông Nguyễn Hải Đăng, Giám đốc Cty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cho biết: "Tôi cho rằng lãi suất 15%/năm vẫn là mức trên trời trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Với mức lãi suất như thế, cộng thêm các khoản chi phí phát sinh khi vay, chưa nói tới việc trích 1% mua bảo hiểm hàng hóa, trong khi tiền mua hàng hóa còn chưa đủ thì quả thật, chúng tôi không dám tiếp cận nguồn vốn ngân hàng".
Tuy nhiên, nhiều khi những vướng mắc chính chưa hẳn nằm ở lãi suất cao hay thấp mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Việc cân đối hài hòa lợi ích của ngân hàng với cơ hội kinh doanh của DN là bài toán không thể tìm ra lời giải trong một sớm một chiều. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời điểm hiện nay, việc tìm được tiếng nói chung giữa hai khối này là rất khó, song không phải là không thể. Để làm được việc này, ngoài chính sách vĩ mô từ Chính phủ, sự quyết đoán của Ngân hàng Nhà nước, còn cần cái Tâm của những người trong cuộc. Có như thế, câu chuyện về lãi suất mới "có hậu" với cả DN, ngân hàng cũng như nền kinh tế.
Trần Hương

Đọc thêm